Cổ phiếu TIE mất điểm vì dính líu đến tố cáo gây thất thoát 1.700 tỷ đồng

SÔNG HƯƠNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu TIE (Công ty Cổ phần TIE - HOSE) đã mất điểm sau khi có thông tin hoãn “Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019”, nhất là đang bị Bộ Công an điều tra dính líu đến tố cáo thoái vốn gây thất thoát 1.700 tỷ đồng cho Nhà nước.

Phiên giao dịch ngày 21/3, thị trường chứng khoán ghi nhận ngành bán buôn có 3 mã cổ phiếu tăng trần, 16 mã tăng giá, 26 mã đứng giá, 11 mã giảm, trong đó có mã cổ phiếu TIE và 3 mã giảm sàn. Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, TIE có 6 phiên giảm và đứng giá. Đầu phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu được nhà đầu tư quan tâm nhất là TIE, vì Công ty Cổ phần TIE vừa liên tiếp nhận nhiều thông tin tiêu cực.
 Kinh doanh kém, làm sao TIE có thể thực hiện 'lời hứa' phát triển của mình
Đó là thông báo xin hoãn “Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4/2019”. Ngoài ra, TIE còn liên quan đến đơn tố cáo về việc thoái vốn gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng với Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS). Cụ thể, cơ quan điều tra Bộ Công an đã yêu cầu CNS cung cấp tài liệu phục vụ việc điều tra một số vụ thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần có dấu hiệu sai phạm, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo đó, cơ quan điều tra sẽ tập trung làm rõ thương vụ thoái vốn của CNS tại Công ty cổ phần điện tử Sài Gòn - Sagel và Công ty cổ phần TIE, việc chuyển nhượng đất trái pháp luật thông qua việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoa Mai. CNS là doanh nhiệp 100% vốn Nhà nước. Theo nội dung tố cáo, việc thoái vốn của CNS chỉ tính riêng tại Công ty cổ phần điện tử Sài Gòn - Sagel và Công ty cổ phần TIE đã gây thất thoát khoảng 1.700 tỷ đồng cho Nhà nước...
Trở lại với TIE, công ty này theo đuổi chiến lược phát triển và đầu tư đa ngành, trải rộng trên nhiều lĩnh vực (sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu). Chuyên về thiết kế sản xuất, gia công lắp ráp và kinh doanh các mặt hàng điện tử dân dụng. Sản xuất và kinh doanh thiết bị lạnh, máy phát điện, động cơ và các phụ tùng rời cung cấp cho ngành điện lực (trừ tái chế phế thải nhựa - kim loại).
 Cổ phiếu TIE mất điểm vì dính líu đến tố cáo gây thất thoát 1.700 tỷ đồng cho Nhà nước
Kinh doanh, xuất nhập khẩu linh kiện điện tử, máy móc đo lường thí nghiệm điện - điện tử - thiết bị viễn thông; Thiết lập mạng lưới thiết bị Internet, cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng. Sản xuất lắp ráp thiết bị bưu chính viễn thông. Sản xuất, gia công, mua bán sản phẩm cơ khí. Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa. Kinh doanh nhà hàng, khách sạn (không hoạt động tại TP Hồ Chí Minh). Vận chuyển hành khách bằng đường thủy, bằng taxi, theo hợp đồng. Cho thuê văn phòng, nhà xưởng, kho bãi.
TIE cung cấp các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng trên Internet: Dịch vụ thư điện tử; dịch vụ thư thoại; dịch vụ truy nhập cơ sở dữ liệu và thông tin trên mạng; dịch vụ trao đổi dữ liệu điện tử (EDI); dịch vụ FAX nâng cao hay gia tăng giá trị bao gồm lưu trữ và gửi, lưu giữ và truy cập; dịch vụ chuyển đổi mã, hiệu; dịch vụ xử lý dữ liệu và thông tin trên mạng; các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng khác theo quy định của Bộ Bưu chính Viễn thông.
Ngoài ra, TIE còn tư vấn lắp đặt mạng máy tính, thiết kế phần mềm máy tính. Mua bán hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thủy hải sản chế biến, nước giải khát (trừ kinh doanh dịch vụ ăn uống). Đặc biệt, TIE là nhà phân phối chính thức của SAMSUNG, CASIO, GENIUS, PHILIPS... với nhiều mặt hàng như màn hình máy vi tính, máy tính tiền điện tử, máy nghe nhạc, máy chiếu và các thiết bị máy vi tính khác.
Việc là đối tác phân phối chính thức của “ông lớn” ngành công nghệ, điện tử SAMSUNG thoạt nhìn như một “điểm sáng” thương mại nhưng chưa hẳn vậy, vì TIE không phải nhà phân phối độc quyền. Có nghĩa TIE chỉ là một trong số hàng nghìn đối tác, đại lý phân phối và bán lẻ trên toàn quốc. Lợi thế cạnh tranh của TIE không còn lớn như thời gian đầu “kết nối” với SAMSUNG và các đối tác khác, trong khi nguồn lực thì quá mỏng mà lĩnh vực kinh doanh lại quá dàn trải.
Kết quả kinh doanh năm 2018 của TIE cho thấy, doanh thu thuần đạt trên 101 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 214 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh HĐKD giảm trên 32 tỷ đồng, lợi nhuận thu nhập sau thuế giảm hơn 25 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm trên 24 tỷ đồng. Bảng cân đối kế toán thì cho kết quả: Tài sản ngắn hạn trên 64 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 289 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 216 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn là hơn 73 tỷ đồng.
Các chỉ số tài chính năm 2018 của TIE thể hiện: EPS = -2,537.00; P/E = -3.04; ROEA = -10.81; ROAA = -8.61. Còn năm 2017, các chỉ số tài chính của TIE cũng đồng loạt giảm. Những con số âm đã nói lên khó khăn quá lớn trong hoạt động kinh doanh mà TIE phải đối mặt trong hai năm qua. Bây giờ, công ty này lại dính líu đến tố cáo gây thất thoát 1.700 tỷ đồng của Nhà nước và cổ phiếu TIE thì bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đưa vào diện cảnh báo...
Sau tất cả, làm sao TIE có thể thực hiện “lời hứa” phát triển của mình?