Cổ phiếu xuất ngoại: Đừng nghĩ khó mà vội bỏ

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, hàng loạt DN Việt lên kế hoạch niêm yết trên các sàn chứng khoán nước ngoài.

Đây được coi là một tín hiệu tích cực giúp các DN tăng vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh quản trị DN còn yếu, tính minh bạch chưa cao, việc đưa cổ phiếu xuất ngoại vẫn là mục tiêu không dễ dàng.

Giấc mơ xuất ngoại cổ phiếu

Đại diện FLC cho biết đang nghiên cứu tái khởi động kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường nước ngoài, trước mắt là niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Singapore. “Chúng tôi sẽ có cuộc gặp với công ty tư vấn luật Baker & McKenzie để được tư vấn về tiến trình này”- đại diện FLC nói.
 Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC giải đáp các câu hỏi đến từ nhà đầu tư tại Singapore.

FLC không phải là công ty đầu tiên có kế hoạch niêm yết tại nước ngoài. Thời gian qua, nhiều động tác chuẩn bị đã được các DN lên kế hoạch. Mới đây, Công ty CP VietJet đưa ra thông tin đang trong quá trình đàm phán để niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán ở New York (Mỹ). Phía VNG cũng đã hiện thực hóa kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên sàn Nasdaq - Mỹ bằng việc ký thỏa thuận thúc đẩy quá trình IPO giữa VNG và Nasdaq vào cuối tháng 5. Theo giới phân tích, nếu thành công, đây sẽ là công ty Việt Nam đầu tiên bán cổ phần lần đầu (IPO) tại Mỹ.

Kế hoạch đưa cổ phiếu Việt “xuất ngoại” được kỳ vọng sẽ giúp các DN tiếp cận được nhiều nguồn vốn tốt hơn, mở rộng danh sách nhà đầu tư cũng như nâng tầm DN Việt. Đại diện VietJet cho hay, niêm yết ở nước ngoài và tại các thị trường lớn sẽ giúp VietJet tiếp cận nhiều nguồn vốn hơn, tăng cường giao dịch cổ phiếu và mở rộng danh sách nhà đầu tư.

Thách thức về minh bạch và quản trị tài chính

Trước VNG, FLC, VietJet... nhiều DN Việt đã ấp ủ ước mơ và bắt tay vào chuẩn bị cho mục tiêu niêm yết cổ phiếu ở một sàn chứng khoán nước ngoài cách đây từ hàng chục năm. Đó là những tên tuổi khá nổi tiếng trên thị trường như VNM, SSI, Gemadept, PVDrilling, Kinh Đô… Tuy nhiên, sau thời gian chuẩn bị, các giấc mơ đều chưa thành hiện thực.

Theo ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán và Quản trị công chứng Úc, niêm yết trên thị trường Nasdaq, New York không hề đơn giản, thậm chí là thách thức cực lớn, nhất là quản trị và minh bạch tài chính. Ông Long lấy ví dụ, năm 2006, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Việt Nam (Cavico) mua lại một DN Mỹ là Agent155 Media Group, sau đó đổi tên thành Cavico Corp và được giao dịch trên sàn Pink Sheet - một hệ thống niêm yết giá điện tử cho những cổ phiếu trên thị trường không chính thức (OTC). Đến 2008, Cavico Corp đã được chuyển sàn giao dịch cao hơn. Tuy nhiên, vì tính minh bạch, quản trị yếu nên DN này đã bị hủy niêm yết do giá cổ phiếu quá thấp và không có thanh khoản.

Đại diện Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho hay, việc khó và phức tạp sẽ nằm ở các khâu “hậu niêm yết” như thanh toán, giao dịch, báo cáo, cơ chế chia sẻ thông tin…, bởi ở mỗi DN là một trường hợp cụ thể. Ngoài ra, việc tuân thủ theo quy định niêm yết và giao dịch trên sàn Nasdaq về chế độ báo cáo, công bố thông tin... nghiêm ngặt. Kinh phí niêm yết, giao dịch, lưu ký,… lớn cũng là một thách thức khi DN Việt mang cổ phiếu xuất ngoại.

Hiện tại, các quy định pháp lý liên quan về việc DN Việt niêm yết trên TTCK nước ngoài đã được mở tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP và sau đó là Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 58 tiếp tục bổ sung thêm quy định. Thông tư 162/2015/TT-BTC cũng đã có một chương riêng hướng dẫn chi tiết hơn việc phát hành chứng khoán tại nước ngoài của DN Việt Nam. Đánh giá về trường hợp cụ thể là VNG, ông Phan Lê Thành Long lạc quan: “Dù khó khăn, nhưng tôi tin VNG sẽ thành công. Cá nhân tôi thích mô hình của VNG. Đội ngũ trẻ, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, quản trị hiệu quả, tài chính vững mạnh”.

Nasdaq là thị trường phát triển đủ để cho những công ty như VNG, nếu IPO thành công, phát triển vượt bậc lên tầm thế giới.

Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh