Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề Hà Nội: Hỗ trợ, khích lệ DN đổi mới sản xuất

Ngọc Mừng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa phần các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề trên địa bàn Hà Nội vẫn sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, chắp vá dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, chất lượng không đồng đều, tiêu hao nhiều nguyên liệu, phát thải nhiều chất gây ô nhiễm môi trường... Đây là bài toán vô cùng khó trước những yêu cầu chuyên nghiệp hóa của thị trường hội nhập.

Hoạt động sản xuất màn tuyn đã 15 năm nhưng đến nay, Công ty CP Phú Lân (xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn sử dụng công nghệ in thủ công. Giám đốc Nguyễn Thị Lân cho biết, việc in thủ công khiến Công ty không chỉ tốn diện tích nhà xưởng, chi phí thuê lao động mà còn phát tán ra môi trường nhiều chất độc hại.

“Nếu làm thủ công, chúng tôi phải trải một tấm vải dài hơn 4m, rộng hơn 2m lên một mặt phẳng. Sau đó, người rải giấy in, người là, rồi lại người nhấc giấy lên... Chúng tôi phải mua giấy của Trung Quốc và là bằng bàn là thủ công, mỗi bông hoa một cái bàn là. Mỗi một lao động thuê 150.000 - 200.000/ngày cũng chỉ in được khoảng 300 - 500m vải. Trong khi, nếu đầu tư một máy in hoa văn vi tính thì mỗi ngày làm ra hàng nghìn mét vải, một cái máy thay thế hàng chục lao động” - chị Lân cho biết.
 Một cơ sở sản xuất vải tại Phùng Xá, Mỹ Đức. Ảnh: Thanh Hải.
Đặc biệt khi DN đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài đòi hỏi công nghệ sản xuất phải tiên tiến, thân thiện với môi trường, chất lượng sản phẩm phải đồng đều... khiến yêu cầu đổi mới máy móc, công nghệ đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. “In thủ công, chúng tôi phải pha màu, rửa màu, hóa chất, rồi mỗi tháng mấy tấn giấy lẫn mực màu, hóa chất cũng sẽ thải ra môi trường” - chị Lân nói.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của DN này là thiếu kinh phí đầu tư công nghệ, thiết bị mới. Chị Lân cho biết, hiện một dàn máy in lập trình vi tính có giá khoảng 2 tỷ đồng, quá sức với một DN nhỏ như công ty của gia đình chị.

Tương tự, khó khăn về kinh phí cũng là vấn đề lớn nhất của Công ty CP Sản xuất phân bón Thịnh Phát (xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây) khi thay đổi công nghệ sản xuất. Theo ông Phùng Văn Vượng - Giám đốc Công ty Thịnh Phát, hiện hoạt động sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết vì chưa có lò sấy. “Hiện tại, chúng tôi có khoảng 20 lao động, nhưng như năm nay, thời tiết mưa quá, công nhân phải nghỉ luân phiên. Nếu có lò sấy thì dây chuyền sẽ hoạt động liên tục, không phụ thuộc thời tiết” - ông Vượng nói. Đồng thời cho biết, ông đã tham khảo thị trường, một lò sấy có giá khoảng 200 triệu đồng nhưng do DN hoạt động chưa lâu nên đây là khoản đầu tư rất khó khăn.

Theo đánh giá chung, nguyên nhân của tình trạng sản xuất lạc hậu là do các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề vẫn chủ yếu có quy mô nhỏ mang tính chất hộ gia đình, vốn đầu tư trang thiết bị chủ yếu là vốn tự có nên còn hạn chế, tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn... Điều này khiến các DN khó cạnh tranh, chấp nhận việc gia công, không chỉ dẫn đến lợi nhuận thấp mà còn đứng trước nguy cơ “chết yểu” khi bước vào hội nhập.

Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội đã xác định việc hỗ trợ đổi mới máy móc, công nghệ làng nghề là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác khuyến công của TP.

Riêng năm 2017, TP sẽ hỗ trợ 10 cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị với tổng kinh phí 2 tỷ đồng, mỗi mô hình sẽ được hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công.

Theo ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương), thời gian qua, thông qua việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất đã giúp nhiều DN, cơ sở sản xuất nông thôn, làng nghề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không chỉ vậy, qua đó còn khuyến khích các DN đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.