Có thể phổ biến pháp luật qua facebook

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2017 do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức chiều 29/12.

Đột phá về xây dựng chính quyền điện tử

Theo báo cáo của UBND TP, trong năm 2016, công tác Tư pháp của TP đã bám sát Chương trình công tác năm 2016 của Bộ Tư pháp, có sự gắn kết chặt chẽ với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ chính trị của TP, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Việc phổ biến giáo dục pháp luật phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp TP được tổ chức tốt, góp phần tích cực vào thành công chung trong công tác bầu cử của TP; tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi TP và đạt thành tích cao trong Hội thi toàn quốc.
 Các đơn vị nhận Cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua” năm 2016 của UBND TP Hà Nội. Ảnh: Thái San.
Bên cạnh đó, việc sơ kết 3 năm thi hành Luật Thủ đô được triển khai thực hiện đúng kế hoạch, chất lượng tốt, qua đó, đề xuất với T.Ư nhiều cơ chế, chính sách thiết thực, hữu hiệu để xây dựng, phát triển Thủ đô. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hiệu quả, đóng góp quan trọng cho hoạt động quản lý, điều hành của TP. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp TP tiếp tục chuẩn hóa, rà soát đơn giản hóa khối lượng lớn TTHC, đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền giải quyết TTHC, góp phần cải thiện chỉ số CPI của TP.

Ngoài ra, việc triển khai dịch vụ công mức độ 3 về lĩnh vực Tư pháp đã tạo nên một bước đột phá mới về xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, tạo niềm tin đối với người dân. Việc triển khai Luật Hộ tịch, Nghị định 23/2015/NĐ-CP về chứng thực cơ bản được thực hiện nề nếp, đã giải quyết một lượng lớn yêu cầu của công dân. Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực Hành chính tư pháp, Bổ trợ tư pháp tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh...

Sớm đưa pháp luật đi vào cuộc sống

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả đạt được của Hà Nội trong công tác Tư pháp; đặc biệt trong 3 năm qua, công tác Tư pháp của Hà Nội được Bộ Tư pháp đánh giá, xếp hạng tốp đầu. Qua đó, đã đóng góp quan trọng, hiệu quả vào hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền TP, đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng lưu ý, đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, ngoài các kênh truyền thống như loa phát thanh, các đơn vị có thể ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông qua mạng xã hội, facebook để người dân được biết.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, giai đoạn 2016-2020 thực hiện bước chuyển hướng chiến lược sang giai đoạn hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Vì vậy, ngành Tư pháp cần phối hợp với các sở, ngành TP bám sát, nắm vững tinh thần đó, kịp thời tham mưu HĐND, UBND TP thực hiện tốt công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của TP.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo các văn bản phải được ban hành kịp thời để tổ chức thực hiện pháp luật, sớm đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Đặc biệt, đối với 218 văn bản cần sửa đổi, bổ sung sau rà soát, Sở Tư pháp, các sở, ngành cần tăng cường phối hợp, sớm thực hiện nhiệm vụ này.