Có thể tăng trưởng GDP trên 6%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiên định mục tiêu tăng trưởng cao, lạm phát thấp của Chính phủ, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (NCEIF) mới đây đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế và lạm phát giai đoạn năm 2014 - 2015.

Trong khi đó TP Hà Nội, với những đặc thù riêng cũng đã đề ra những mục tiêu khá cụ thể.

GDP tăng từ 5,67 - 6,2%

2 kịch bản mà NCEIF đưa ra trên cơ sở đánh giá khá cụ thể tình hình kinh tế thế giới và những biến động của kinh tế trong nước trong một năm qua. Theo đó, kịch bản thứ nhất mà NCEIF đưa ra là, chính sách điều hành dần đi vào cuộc sống sẽ giúp nền kinh tế giải quyết những khó khăn. Kịch bản này được cho là nhiều khả năng xảy ra hơn, khi nền kinh tế giải quyết được những khó khăn với chính sách điều hành dần đi vào cuộc sống. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 có thể đạt 5,67% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%.

Kịch bản thứ hai, tăng trưởng cao cũng có thể xảy ra nếu nền kinh tế trong nước phát triển đi kèm với tác động tích cực từ đà phục hồi kinh tế thế giới đồng thời tận dụng lợi thế từ việc mở rộng đầu tư qua các hiệp định thương mại. Dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ đạt ở mức 6,2%, CPI vẫn duy trì mức 7%.
Lắp ráp xe tại Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình. Ảnh: Tú Chi
Lắp ráp xe tại Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình. Ảnh: Tú Chi
Nhiều ý kiến nhận định, lạm phát năm 2014 sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn nếu có biến động mạnh trong điều hành chính sách vĩ mô. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ưu tiên kiểm soát lạm phát sẽ không thể đặt ra mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng. Theo TS Nguyễn Minh Phong, trường hợp tốt nhất là đạt mục tiêu tăng trưởng cao, lạm phát thấp đã được chứng minh trong những năm từ 1996 - 2002 khi lạm phát dưới 4% nhưng tăng trưởng vẫn từ 8% trở lên. Điều này đã phủ nhận quan điểm tăng trưởng cao bắt buộc phải kèm theo lạm phát cao. Song để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra cần thận trọng trong việc điều hành giá cả, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục… nhằm tránh tình trạng nhiều mặt hàng tăng giá cùng thời điểm sẽ tạo ra các tác động tiêu cực lên CPI.

Bên cạnh những kiến nghị về thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu… một trong những kiến nghị được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến đó là, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng 8,5 - 9%

Năm 2014, phát triển kinh tế - xã hội của TP được nhận định sẽ còn gặp nhiều thách thức. Những thách thức này xuất phát từ các nguyên nhân như huy động vốn trong và ngoài nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của DN trên địa bàn TP chưa cao... Mặc dù vậy, trong Chương trình hành động số 01/CTr - UBND thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, TP đã đề ra một loạt các giải pháp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8,5 - 9%. Trong đó, kiên trì đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ cương hành chính tiếp tục là khâu đột phá, xuyên suốt trong năm 2014,  năm được TP xác định là “Năm trật tự văn minh đô thị”.

Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, với một số lượng DN rất lớn (khoảng 95.000 DN đang hoạt động), giá đất và dịch vụ kinh doanh cao hơn nhiều so với các tỉnh, TP khác trong khi không ít dự án đầu tư chậm tiến độ, rất nhiều thủ tục có hiện tượng chậm trễ như: Thuế, đăng ký DN, hải quan, bảo hiểm… đang là những rào cản làm ảnh hưởng không nhỏ đến lợi thế cạnh tranh. Do đó đòi hỏi TP Hà Nội phải có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt mới có thể đạt mục tiêu trên.