Cổ tích viết bằng nghị lực sống

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vẫn biết cuộc đời này không có chuyện cổ tích, nhưng nguồn sáng tri thức và nghị lực của cô gái khiếm thị Đào Thu Hương (sinh năm 1985) đã viết nên một câu chuyện kỳ diệu.

Lạc quan tạo nên kỳ tích
Tìm đến căn nhà số 6, ngõ Thiên Hùng, phố Khâm Thiên khi TP đã lên đèn, bắt gặp ngay nụ cười hồn hậu của Hương. Nhưng ẩn trong mỗi câu nói của cô gái ấy là một nghị lực, tố chất thông minh trời phú và một tinh thần lạc quan đến kiên cường.

Nghẹn ngào kể về tuổi thơ của mình, Hương bảo, cuộc đời cô không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, bởi lên 10 tuổi, đôi mắt đã mất đi ánh sáng. Bất hạnh ấy đã cuốn theo cả những ước mơ tuổi thơ của Hương. Nhưng không buông xuôi, từ khi biết mình bị bệnh khuyết tật mắt, Hương đã tự tìm cho mình cách học riêng để không bỏ dở con đường học tập. Bước chân tới trường Nguyễn Đình Chiểu, Hương như được tiếp thêm sức mạnh, tự đứng lên thay đổi cuộc đời. "Ngày ấy, em vẫn không biết rằng mình khác biệt so với các bạn, khi vào trường Nguyễn Đình Chiểu các bạn lại gần, sờ tay, sờ mặt... rồi hỏi em nhiều thứ. Lúc ấy, em mới thực sự tin rằng mình là một cô bé mù. Em đã rất sợ hãi" - Hương nhớ lại. Nhưng vượt qua rào cản của một người khuyết tật, Hương đã phấn đấu đi tới ước mơ trở thành nhà xã hội học.

Đào Thu Hương (thứ 2 từ trái sang) trong trang phục truyền thống của Nhật Bản.          

Nhớ lại những tháng ngày gian nan, Hương chia sẻ: “Suốt những năm học đại học, khó khăn lớn nhất là không có tài liệu, không có sách vở. Do vậy học ở trên lớp phải tập trung nghe thầy cô giảng bài. Việc học tập của em được đảm bảo bằng sự hy sinh lớn lao của cha mẹ, sự giúp đỡ nhiệt tình của bè bạn, thầy cô. Mẹ và thầy cô là người tiếp thêm sức mạnh cho em, sau những bước đi và thành công của em luôn có dáng hình của mẹ”.

Khát khao cống hiến

Có người đã từng nói rằng: “Nếu ai đó vượt qua được ba môn âm nhạc, hội họa và ngoại ngữ để đạt được thành tựu đáng ghi nhận thì việc học các môn khác không có gì phải e ngại”. Hương không tham gia hội họa, nhưng đã chơi được đàn tranh, organ và dùng tiếng Anh ở trình độ cao (Advanced). Hương bảo, cơ hội đến với em rất bất ngờ. Với khả năng tiếng Anh lưu loát, ngay từ khi chưa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, Hương đã nhận được cơ hội “vàng” làm biên dịch và phiên dịch viên tại tổ chức phi Chính phủ Samaritan’s Purse (Tổ chức cứu trợ thế giới tại Việt Nam hoạt động vì người nghèo, người khuyết tật). Xác định rõ con đường mà mình phải đi là “thắp lên một ngọn nến nhỏ” cho người khiếm thị, nên ngay sau khi tốt nghiệp, Hương tiếp tục làm việc tại Samaritan’s Purse ở vị trí điều phối dự án học bổng cho học sinh khiếm thị.

Mặc dù công việc ổn định, nhưng Hương luôn đau đáu khát khao phải làm điều gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị. Hương tâm sự, làm việc tại tổ chức Samaritan’s Purse, bản thân có nhiều điều kiện tham gia giúp đỡ những người nghèo, người khuyết tật thông qua các dự án như: Dạy tiếng Anh cho trẻ em khuyết tật; làm CD về kỹ năng nói tiếng Anh cho học sinh khiếm thị; Hỗ trợ phương thức làm nông nghiệp cho người dân miền núi hay các dự án giáo dục tập huấn cho học sinh các khóa kỹ năng sống, phòng chống mua bán người… “Từ những ngày đầu tham gia công tác xã hội, em luôn suy nghĩ, bằng khả năng hiện tại, em chỉ làm được những công việc nhỏ với một tình yêu lớn, giúp được một số ít người. Điều đó là động lực để sau này em tiếp tục bắt tay vào thực hiện những dự án, những công việc lớn hơn” - Hương chia sẻ. Rõ là đến giờ, mọi người không còn phải băn khoăn phải làm gì để nâng đỡ bước chân của cô gái khiếm thị, bởi chính Hương đã tự bước đi và đem năng lực làm việc, cống hiến cho xã hội theo đúng nghĩa của từ này.

Đào Thu Hương phát biểu tại hội thảo giới thiệu tài liệu định dạng DAISY tháng 10/2016.   Ảnh: Thanh Bình

Cuộc đời là một chuỗi thử thách… có những thử thách đang chờ bạn bước tới, mở nó ra theo cách của riêng mình. Thêm một lần nữa, may mắn mỉm cười với Hương khi giành được học bổng khóa học đào tạo những kỹ năng lãnh đạo cho người khuyết tật tại Nhật Bản (năm 2012). Hương đã có cơ hội tiếp xúc và học về công nghệ sản xuất sách DAISY (Digital Accessible Information System – hệ thống thông tin kỹ thuật số dễ tiếp cận). So với sách nói thì công nghệ DAISY có tính năng vượt trội khi âm thanh và văn bản chạy song song, cho phép điều chỉnh độ sáng, cỡ chữ, di chuyển linh hoạt đến từng trang, từng chương cuốn cách... Hương quyết tâm tìm hiểu công nghệ này với mong muốn sẽ mang về giúp người khuyết tật ở Việt Nam. “Từ cuốn sách kỹ thuật số thông minh này, những người khiếm thị, khiếm thính, tăng động, rối loạn chức năng đọc hiểu… sẽ được sử dụng học liệu bằng định dạng kỹ thuật số” - Hương hào hứng.

Ngay sau đó, Hương cùng với 6 người bạn đã thành lập nhóm “Điểm tựa" làm chỗ dựa cho học sinh, sinh viên những người khiếm thị với mong muốn chia sẻ những kiến thức mình học cho các bạn đồng cảnh. Nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh khiếm thị, mở các lớp định hướng việc làm, tập huấn kỹ năng giao tiếp… Các dự án của nhóm đã trở thành cầu nối kết nối người khuyết tật với xã hội, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Dù không phải là người Việt đầu tiên được tiếp xúc với công nghệ này, nhưng Hương cùng nhóm Điểm tựa lại là những người đầu tiên sản xuất sách DAISY. Đó là thời điểm năm 2016, tổ chức phi chính phủ Malteser International đã hợp tác với Hương và nhóm Điểm tựa sản xuất cuốn sách DAISY đầu tiên. Với tên gọi “Hướng dẫn quản lý rủi ro thiên tai có lồng ghép Người khuyết tật”, sách có 2 bản tiếng Anh và tiếng Việt, được phổ biến tới cộng đồng người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị và những tổ chức, ban ngành hoạt động trong lĩnh vực giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. Hiện tại, Hương cùng nhóm Điểm tựa tiếp tục mở các lớp tập huấn về công nghệ DAISY để nhân rộng công nghệ này tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và làm việc với Nhà xuất bản để sản xuất sách giáo khoa theo hình thức sách kĩ thuật số.

Trong cuộc trò chuyện với Hương, dù đôi lúc có xen lẫn tiếng nghẹn ngào vì những gian khó trong đời, nhưng khuôn mặt Hương luôn toát lên một tinh thần lạc quan, bản lĩnh. “Hãy thắp lên một ngọn nến nhỏ, còn hơn là ngồi mà nguyền rủa bóng tối” không chỉ đơn thuần là câu nói Hương yêu thích, mà còn là con đường cô đang đi với tất cả nỗ lực và nhiệt nhiết của trái tim vì cộng đồng. Cô đã viết nên câu chuyện cổ tích bằng một nghị lực sống đáng trân trọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần