Coi chừng sập bẫy tín dụng đen

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu vay tiêu dùng của người dân tăng cao. Lợi dụng tâm lý này, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi tiếp tục nở rộ và phát triển với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi.

 Quảng cáo cho vay tiền dán trên bảng tin tại điểm chờ xe buýt. Ảnh: Bích Ngọc
Chuyện cũ nhưng nhiều nạn nhân mới
Theo chủ một cửa hiệu cầm đồ kiêm cho vay tín dụng trên đường Láng (Hà Nội) cho biết, vào thời điểm cuối năm, lượng người tìm đến các dịch vụ cho vay tiền khá nhiều. Trung bình mỗi ngày có khoảng 7 - 8 khách hàng tìm đến cửa hiệu của anh đề nghị được vay vốn. Tùy theo số tiền vay nhiều hay ít mà lãi dao động từ 5.000 - 7.000 đồng cho món vay 1 triệu đồng/ngày. Mặc dù biết lãi suất cao, gấp cả chục lần, thậm chí vài chục lần so với vay ngân hàng nhưng nhiều người vẫn chấp nhận tìm đến tín dụng đen để vay tiền.

Không chỉ ở những hiệu cầm đồ, với sự phát triển của công nghệ hiện đã nở rộ loại hình tín dụng đen mới, cho vay trực tuyến qua app hoặc qua mạng internet. Chị M trú tại phố Hồng Mai, Hà Nội cho biết những ngày gần đây liên tục nhận được đường link giới thiệu vay tiền trên mạng. Đang cần tiền, chị làm theo các yêu cầu của app gồm: Chụp hình chân dung, cho phép app thâm nhập vào danh bạ điện thoại, Facebook... và chỉ hơn 10 phút sau, chị đã nhận được số tiền 3 triệu đồng trong tài khoản (trên số tiền vay 5 triệu đồng), lãi suất lên đến 5%/ngày.

Việc người dân vay qua app đang ngày càng tăng mạnh do sự tiện lợi, nhanh chóng trong giao dịch. Người đi vay không phải đi đâu, không phải chứng minh tài sản, thu nhập cũng có thể vay vốn. Hơn nữa, đa phần số tiền vay rất nhỏ, người vay dự đoán trong khả năng trả nợ nên mới tiếp cận ứng dụng vay vốn kiểu tín dụng đen. Tuy nhiên, khi vay, việc trừ phí cũng như lãi suất cao, “lãi mẹ đẻ lãi con” đã khiến nhiều người không kịp trở tay. Như anh Nguyễn T H. (tại Thanh Xuân) có vay qua app với số tiền 1,6 triệu đồng, hạn trong 7 ngày, nhưng số tiền thực tế anh nhận được chỉ có 1 triệu đồng. Sau 7 ngày, anh phải trả 1,6 triệu đồng. Như vậy, với số tiền thực vay 1 triệu đồng, anh phải trả lãi suất gần 8,6%/ngày, tương đương lãi suất hơn 3.000%/năm.

Giám đốc Chi nhánh một ngân hàng thương mại cho biết, thực tế câu chuyện tín dụng đen diễn ra quanh năm, nhưng bùng phát mạnh nhất vào dịp cuối năm khi lưu lượng tiền, hàng hóa tăng không phải gấp đôi, mà gấp 5, thậm chí gấp 10 lần bình thường. Ngoài ra, nhân viên của các cơ sở tín dụng đen tìm đủ cách tiếp cận công nhân lao động và sinh viên, nhất là những người đang gặp khó khăn đột xuất như con cái ốm đau, cần tiền cho con ăn học, đến ngày phải trả tiền thuê nhà… “Ngoài lãi suất cắt cổ, tín dụng đen còn gắn với các hành vi đòi nợ côn đồ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật” - Trung tá Ngô Hồng Vương - Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết.

Cần giải pháp đồng bộ

Thực tế, thời gian qua, hàng loạt app cho vay online đã bị cơ quan chức năng phát hiện hoạt động như một đường dây tín dụng đen: VN online, Moreloan, Vaytocdo… Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan quản lý, trên thị trường vẫn còn nhiều app cho vay cắt cổ khác đang hoạt động rầm rộ, ra sức mời chào người dân vay vốn, phổ biến nhất là hình thức tiếp cận "con mồi" qua các mạng xã hội. Luật không cấm cá nhân cho cá nhân vay, nhưng tổ chức hay cá nhân cho vay lãi suất quá mức quy định cho phép thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi.

Để tránh sập bẫy tín dụng đen, đại diện Bộ Công an khuyến cáo khi vay tiền, người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định về cho vay của các app, lựa chọn app cho vay uy tín, chấp hành đúng quy định về lãi suất (dưới 20%/năm). Không có các hành vi đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, lăng mạ, xúc phạm, quấy rối người đi vay để tránh gặp phiền hà trong cuộc sống cũng như tránh bị các đối tượng đưa vào vòng xoáy "lãi mẹ đẻ lãi con".

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, đơn vị đã chủ động khảo sát tại một số tỉnh, TP là điểm nóng về tín dụng đen, tổ chức các hội nghị bàn về các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân. Đồng thời, NHNN đã ban hành kế hoạch hành động với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phân công cụ thể, chi tiết giải pháp, đơn vị đầu mối và lộ trình thực hiện. Xây dựng đề án cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; đề xuất triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân, DN; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp Nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau giai đoạn Covid-19; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần