Hạn chế còn loạn
Theo quy định hiện hành, mỗi năm, Bộ VHTT&DL chỉ cấp phép cho 2 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia. Các cuộc thi có yếu tố nước ngoài không quy định cụ thể nên tùy theo tính chất từng cuộc thi mà Bộ sẽ quyết định cấp phép. Các cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể T.Ư do Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép và mỗi năm tổ chức không quá 3 lần. Cuộc thi người đẹp cấp tỉnh do UBND tỉnh cấp giấy phép và mỗi năm tổ chức không quá 1 lần.
Quy định chặt chẽ là vậy, nhưng xảy ra tình trạng loạn thi sắc đẹp. Từ cuộc thi được cấp phép chính thức như: Hoa hậu Đại dương đến các cuộc thi chui như: Hoa hậu doanh nhân văn hóa Việt – Hàn, Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019… Mặc dù có quy định những cuộc thi người đẹp không được cấp phép theo kiểu “tự xưng danh hiệu”, nhưng số tiền phạt trên dường như chẳng “thấm” vào đâu so với những lợi ích thu lại sau mỗi cuộc thi. Có những cuộc thi được tổ chức chóng vánh, thời gian tuyển chọn và trình diễn chỉ vỏn vẹn 2 - 3 ngày, có cuộc thi đăng ký cấp phép là buổi trình diễn, nhưng lại là thi nhan sắc núp bóng… Để rồi, hậu thi chui là những lùm xùm về danh xưng hoa hậu bán dâm nghìn đô, hoặc hoa hậu ứng xử không đúng chuẩn mực với vai trò người của công chúng… Vậy, cởi trói thủ tục hành chính, phân cấp cấp phép về cho các tỉnh thì việc quản lý tình trạng loạn thi sẽ đi đến đâu?
Tìm lại giá trị thật
Lựa chọn phương án nào trong 2 phương án (phân cấp quản lý hoặc tiếp tục hạn chế số lượng cuộc thi) Bộ VHTT&DL đưa ra đều có ưu điểm và nhược điểm. Theo nhà nghiên cứu văn hóa TS Tùng Hiếu thì cần cân nhắc quy chuẩn văn hóa phù hợp. Trong thời buổi hội nhập quốc tế, các cuộc thi sắc đẹp ở phương Tây tổ chức đầu thế kỷ XX, chúng ta đã học theo và tổ chức các cuộc thi trong nước. Nhưng khi về Việt Nam cần cân nhắc quy chuẩn phù hợp với văn hóa trong nước và dung hòa với format quốc tế. Tôn vinh giá trị cần lưu ý đến những giá trị thực tế. Chẳng hạn như khi đạt được danh hiệu phải làm được điều gì giúp ích cho xã hội, chứ không phải xảy ra các hệ lụy... "Tôi đồng ý với việc không quy định số lượng, nhưng cần phải có sự tính toán lại tần suất tổ chức phù hợp để không phải trở thành một phong trào, trào lưu mà ai ai cũng có thể làm hoa hậu được" - TS Tùng Hiếu nhấn mạnh.
Á hậu Thụy Vân cũng cho rằng, trước khi có đề xuất của Bộ VHTT&DL, một số tỉnh vẫn tổ chức các cuộc thi nhan sắc thường niên, thậm chí nhiều nơi thực hiện rất chuyên nghiệp, bài bản như: Người đẹp Kinh Bắc (Bắc Ninh), Người đẹp Cao Bằng (Cao Bằng), Người đẹp Hạ Long (Quảng Ninh)... Các tỉnh/địa phương có thể đứng ra tổ chức tìm kiếm nhan sắc thì sẽ xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm chất lượng cuộc thi tuỳ thuộc theo văn hóa truyền thống, định hướng và tiêu chí mà nơi đó đặt ra. Tuy nhiên, cuộc thi đó chỉ nên tìm kiếm Hoa khôi hay Người đẹp để tránh nhập nhằng về danh xưng. “Hoa hậu chỉ nên ở các cuộc thi tầm cỡ quốc gia bởi thí sinh khi đăng quang sẽ đại diện cho Việt Nam tham gia các “đấu trường” quốc tế” – Á hậu Thụy Vân bày tỏ.
Có thể nói, sau hàng loạt những lùm xùm trong các cuộc thi về nhan sắc, uy tín và giá trị của các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam đang dần giảm sút. Mặc dù ở đó chỉ là “những sâu làm rầu nồi canh” nhưng đã để lại cho công chúng những ấn tượng không tốt. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết cơ quan quản lý văn hóa cần đề cao vai trò của người tổ chức, trách nhiệm xã hội của thí sinh để tìm lại giá trị thật sau mỗi gương mặt đẹp. Trách nhiệm này không ai khác là Bộ VHTT&DL trong đó có Cục Nghệ thuật biểu diễn (cơ quan quản lý chuyên ngành) và lực lượng thanh tra văn hóa.