Còn găng nhau nhưng không chiến

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn vào động thái của Mỹ và Iran trong những ngày vừa qua thì không thể không có cảm giác là hai đối tác này đang leo thang căng thẳng và đối địch hướng tới kịch bản không thể loại trừ là xô đẩy nhau vào đụng độ quân sự trực tiếp ở vùng Vịnh.

 Ảnh minh họa

Sau khi rút khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran, Mỹ không chỉ áp dụng trở lại tất cả những biện pháp đã từng áp dụng trừng phạt Iran mà còn gia tăng mức độ và mở rộng phạm vi áp dụng những biện pháp chính sách ấy. Mới đây nhất, Mỹ điều động thêm cả tầu sân bay, tầu chiến và máy bay ném bom đến vùng cửa ngõ của Iran. Mỹ viện dẫn nhưng không công khai được bằng chứng về việc Iran chuẩn bị tấn công quân sự vào Mỹ và đồng minh của Mỹ ở khu vực. Những động thái và phát biểu của phía Mỹ gợi liên tưởng đến việc Mỹ năm 2003 chuẩn bị phát động cuộc chiến tranh ở Iraq như thế nào.

Cho tới nay, Iran vẫn tuân thủ thoả thuận nói trên. Nhưng để đối phó với những bước đi thù địch mới kia của Mỹ, Iran đa tuyên bố ngừng thực hiện một phần cam kết của Iran và đặt tối hậu thư cho EU, Nga và Trung Quốc là trong thời gian 60 ngày phải có cơ chế bảo đảm lợi ích cho Iran trong trường hợp Iran tiếp tục thực thi thoả thuận. Mỹ đẩy Iran và EU cùng Nga và Trung Quốc vào tình thế khó xử thì Iran cũng đẩy Mỹ và các đối tác kia vào tình trạng tương tự.

Nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran đúng là ngày càng tăng và không thể loại trừ bởi chỉ cần một trong hai phía không còn kiểm soát được diễn biến tình hình thì chuyện ấy khó còn có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cả hai phía đều ý thức được rất rõ tác động, hậu quả và hệ luỵ vô cùng tai hại của kịch bản ấy. Cho nên cả hai phía đều phải luôn để ý đến giới hạn và điểm dừng trong leo thang đối địch nhau. Họ còn làm găng với nhau nhưng sẽ không chiến tranh với nhau, đơn giản bởi cái giá cùng phải trả cho chiến tranh quá đắt về mọi phương diện.