Còn khoảng trống trong kiểm tra, đánh giá

Trần Oanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ trước đến nay Trung tâm Khảo khí Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã có quy định về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập tuy nhiên khi chấm điểm lại không rõ ràng. Tại diễn đàn bàn tròn khảo thí lần thứ nhất diễn ra ngày 30/7, PGS.TS Vũ Đỗ Long - Giám đốc Trung tâm cho biết, tới đây cách chấm điểm theo tiêu chí cụ thể.

Tư vấn xét tuyển Đại học - Cao đẳng năm 2019 tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Chấm điểm thoáng hơn
Thực tế ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại giỏi. Ông có nhận xét gì về cách kiểm tra đánh giá kết quả học tập của các trường hiện nay?

- Đó là tâm lý chung của xã hội. Thứ nhất, thầy cô mong muốn sinh viên ra trường có bảng điểm tạm ổn để dễ dàng tìm kiếm việc. Cũng có thể, quan điểm cho điểm cũng thoáng và rộng lượng hơn xưa. Cụ thể, thời xưa người học ĐH phải có kiến thức thật tốt, nền tảng vững thì mới cho điểm cao. Bản thân tôi cũng là 20 năm làm giáo viên, khi thấy sinh viên đến lớp đầy đủ, có ghi chép bài và ý thức học tập thì cũng muốn khuyến khích các em bằng những hình thức cho đề cương gần sát hơn, ôn tập nhiều hơn thì sinh viên có cơ hội đạt điểm cao. Tất nhiên, giáo viên phải chấm đúng bài.
14 hợp phần tạo thành cấu trúc chính sách kiểm tra đánh giá kết quả học tập được đề xuất tại diễn đàn bàn tròn khảo thí lần thứ nhất, được Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đưa ra, đó là: Triết lý đánh giá, nguyên tắc đánh giá, đánh giá đáp ứng chuẩn đầu ra, thông tin về việc đánh giá, mô tả điểm, cân bằng trong chấm điểm, điểm trung bình chung, công nhận và chuyển đổi tín chỉ, kỳ thi, phúc khảo, thẩm khảo kết quả và đánh giá lại, ngừng học, liêm chính học thuật, phản hồi.

Hơn nữa, bây giờ có nhiều cơ chế đánh giá kết quả học tập như điểm giữa kỳ, điểm thường xuyên. Sinh viên nào đi học đầy đủ, điểm thường xuyên được 9, 10. Điểm giữa kỳ tức là sinh viên học nửa kỳ sẽ ôn tập với lượng kiến thức không quá lớn, có cơ hội đạt điểm cao. Trong trường hợp điểm thi giữa kỳ tàm tạm, sinh viên có thể thi lại cải thiện tình hình. Còn nhiều năm trước, sinh viên học cả năm, đến cuối kỳ mới ôn tập thì khó đạt điểm cao.

Trong diễn đàn đề cập đến khoảng trống trong kiểm tra, đánh giá ở ĐHQGHN, ông có thể giải thích rõ hơn về việc này?

- Hiện nay ĐHQGHN đã những quy định rõ ràng, cụ thể về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Ví dụ sinh viên phải có điểm thi ở mức nào mới được vượt qua môn; tích lũy bao nhiêu tín chỉ mới đủ điều kiện bảo vệ tốt nghiệp. Hay, sinh viên bị điểm mấy phải thi lại, nợ bao nhiêu môn thi bị cảnh cáo lần 1, lần 2, đuổi học. Hoặc, quy định thời gian thi cho môn học 2 tín chỉ không quá 60 phút, 3 tín chỉ 90 phút. Điểm hệ số đánh giá, bao gồm công bằng, chuyên cần, cuối kỳ...

Tuy nhiên, việc thực hiện chấm kiểm tra của mình lại không công bằng, rõ ràng từng thang mức như các nước tư bản. Ví dụ các nước tư bản chấm điểm 5 là hiểu kiến thức cơ bản; điểm 9 thông thạo, biết phân tích; điểm 10, bài làm có tính mới, hiểu biết sâu sắc. Còn việc chấm điểm ở mình do giáo viên tùy định. Và, nhiều quy định của mình mới nêu tên nhưng chưa mô tả đặc tính của nó.

Sẽ chấm điểm theo tiêu chí

Với 14 tiêu chí kiểm tra đánh giá kết quả học tập (dựa trên cấu trúc chính sách của 4 trường ĐH lọt TOP 200 của bảng xếp hạng ĐH thế giới -THE WUR năm 2019) được đề xuất tại diễn đàn, ông có kỳ vọng gì về việc thực hiện ở ĐHQGHN?

- Hôm nay chúng tôi mới ngồi với nhau để tìm hiểu, nhận thấy cái còn thiếu của mình. Trong 14 tiêu chí được nêu ra, trong vòng một năm tới, chúng ta chỉ cần làm được từ 1 - 2 tiêu chí, quy định rõ ràng cho các trường, đơn vị thành viên của ĐHQGHN đã thành công rồi. Tôi muốn nói thêm, trong 4 trường lọt TOP 200, mỗi trường lại có chính sách khảo thí khác nhau. Chính sách của chúng tôi đưa ra mới là đề xuất, việc áp dụng chung tất cả là cả một quá trình dài.

Khi ĐHQGHN đổi mới chính sách kiểm tra đánh giá kết quả học tập, trong khi các trường ĐH top thấp lấy điểm đầu vào thấp, nới lỏng chấm điểm thi cao, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, có tạo ra sự mất công bằng?

- Chắc chắn rồi. Đây là bài toán khó của cơ chế thị trường. Nhưng tôi nghĩ, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng quan trọng và là xu hướng tất yếu của xã hội hiện nay. Các DN sẽ tuyển dụng những người có năng lực thực sự. Vì thế, những trường cứ lấy chỉ tiêu tuyển sinh làm trọng mà không nâng cao chất lượng đào tạo sẽ bị xã hội đánh giá không tốt. Đó là cách phát triển hoàn toàn sai lầm.

Xin cảm ơn ông!