Còn mắc bệnh hành chính hóa trong phòng chống cháy nổ

Gia Tuấn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm chen trong khu dân cư san sát, thị phần khách sạn phố cổ nếu xảy ra hỏa hoạn, nguy cơ cháy lan, sụp đổ cấu kiện, gây hậu quả nghiêm trọng là rất lớn.

 PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)
Liên quan đến vấn đề này, báo Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

Hà Nội vừa công bố danh sách 426 cơ sở, công trình vi phạm an toàn PCCC. Đáng chú ý, ngoài các chung cư thương mại, tái định cư, hàng loạt khách sạn hạng sang, đặc biệt ở khu vực phố cổ cũng bị “bêu tên”. Ông nhận định ra sao về thực trạng này?

- Các công trình khi xây xong từ phần móng trở lên được các cơ quan quản lý xây dựng kiểm tra chặt chẽ từng hạng mục. Việc kiểm tra, xử lý trong quá trình xây dựng công trình, kể cả về PCCC, thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý, thanh tra xây dựng. Rất vô lý khi nhiều khách sạn vi phạm, xây sai giấy phép, bớt xén các hạng mục PCCC lại trót lọt hoàn công, đưa vào hoạt động kinh doanh bình thường. Thậm chí, nhiều khách sạn tồn tại vô số lỗi về PCCC, không thể khắc phục ngay vẫn gán mác “3 - 4 sao”, tấp nập đón khách lưu trú như thường. Trong khi, quy định xử lý vi phạm hành chính hiện nay cũng không có quy định về biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp vi phạm pháp luật về PCCC. Đây chính là lý do khiến nhiều khách sạn vi phạm về PCCC khi bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, chủ DN chỉ nộp tiền phạt nhưng không khắc phục sai phạm.

Điệp khúc cháy nổ khu vực phố cổ rất phức tạp, không riêng gì mảng phân khúc khách sạn. Song, thực thi nỗi lo đó, hầu như không có nhiều biến chuyển, thưa ông?

- Nhiều khách sạn cao cấp khu vực phố cổ Hà Nội đều nằm trong các con phố có nhiều ngõ nhỏ dài, bề ngang chỉ từ 2 - 4 m. Đặc biệt, nằm sát nhà dân, tập trung kinh doanh, buôn bán đông đúc. Khi xảy ra cháy, các loại xe chữa cháy khó tiếp cận sâu. Hệ thống chiếu sáng, chỉ dẫn lối thoát nạn tại một số khu vực kinh doanh không có, hoặc hư hỏng. Một số tuyến phố chưa được đầu tư lắp đặt đầy đủ trụ nước chữa cháy hoặc đã được lắp đặt nhưng áp lực nước yếu, không ổn định, thậm chí không có nước. Đó là thực trạng mà đa số đều thuộc lòng.

Song, chúng ta mắc bệnh hành chính hóa hoạt động của chính quyền các cấp là “báo cáo”. Có quá nhiều báo cáo nhưng thiếu các kiến nghị cụ thể. Mỗi sự việc cháy nổ xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản lại ồn ào quan tâm và các chỉ thị, nghị quyết được đưa ra nhưng các kế hoạch thực thi không có, rồi một thời gian sau, đâu vẫn hoàn đấy. Một nội dung rất mới của Luật Xây dựng 2014 là có Điều 127 về “Dừng khai thác sử dụng công trình xây dựng”. Tại điều này đã nêu rất rõ thẩm quyền của chính quyền quyết định dừng khai thác sử dụng công trình khi có nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng và cộng đồng.

Vậy theo ông, có nên chăng việc công khai các khách sạn vi phạm quy định về PCCC, về an ninh trật tự trên trang các thông tin điện tử để du khách trong và ngoài nước tiếp cận?

- Xử phạt bằng tiền là "đánh" vào lợi ích kinh tế của DN, chủ đầu tư. Nhưng, thực tế chứng minh, tiền đôi khi không đủ uốn nắn các chủ đầu tư bất chấp pháp luật. Chỉ có cung cấp đầy đủ thông tin để người dân lựa chọn, nhận diện những khách sạn có uy tín, quay lưng lại với những nơi làm ăn gian dối, không tôn trọng quyền lợi của khách hàng là hình phạt nghiêm khắc nhất.

Hà Nội đã rất quyết liệt công khai các thông tin sai phạm về PCCC của chủ đầu tư khách sạn. Điều này đáp ứng kịp thời đòi hỏi của mọi người dân và những du khách đang có ý định thuê phòng của khách sạn đó. Và quan trọng là, công khai sai phạm các ông chủ có tên trong danh sách sẽ buộc phải đẩy nhanh tốc độ khắc phục các sai phạm, còn các ông chủ đang hoàn thiện và sắp triển khai dự án khách sạn buộc phải chấp hành đúng quy định phòng chống cháy nổ ngay từ khi thiết kế tới trang bị hệ thống phòng chống cháy nổ. Có như vậy, du khách mới an tâm, ngành công nghiệp không khói mới phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!