Con sâu lại bỏ rầu nồi canh

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi "chối đây đẩy" trước nghi vấn liên quan nhận hối lộ hơn 5 tỷ đồng, nhiều cán bộ, công chức thuế, hải quan Bắc Ninh đã tạm bị đình chỉ để phục vụ công tác điều tra.

Vụ việc đúng, sai thế nào thì còn chờ kết luận của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, những tai tiếng liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan sau nghi vấn này là câu chuyện đang làm nóng dư luận những ngày qua.
Nhiều hãng thông tấn Nhật Bản đưa tin, Công ty Tenma Nhật Bản (trụ sở ở Tokyo) tự khai báo với với Tổng cục Kiểm sát Tokyo về việc Công ty Tenma Việt Nam đã thực hiện hành vi hối lộ cán bộ, nhân viên nhà nước của Việt Nam số tiền khoảng 25 triệu Yên (khoảng 5,4 tỷ đồng). Khoản tiền trên được lãnh đạo Công ty Tenma cho phép chi trả, thực hiện qua 2 lần nhằm mục đích để cơ quan thuế Việt Nam miễn giảm khoản truy thu thuế với công ty con tại Việt Nam, số tiền truy thu lên đến gần 42 tỷ đồng.
Chung chi để "đôi bên cùng có lợi", mặc kệ ngân sách thất thu, mặc kệ lợi ích quốc gia đã từng được nhắc đến trên các diễn đàn hoặc trong những câu chuyện "trà dư tửu hậu" trước đây. Nhưng tuyệt nhiên, không nhiều DN dám lên tiếng hoặc muốn lên tiếng. Và ngân sách Nhà nước, tiền của Nhân dân cứ thế rơi rụng, còn lợi ích thuộc về một số cá nhân.
Vụ việc Công ty Tenma một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo sự xuống dốc về mặt đạo đức của cán bộ, công chức trong lĩnh vực thuế - hải quan, lĩnh vực liên quan lớn đến túi tiền DN. Việc "đi đêm" cùng nhau gây thất thoát ngân sách, tư lợi cá nhân tại Tenma nếu đúng là sự thật thì không chỉ ảnh hưởng đến danh dự, hình ảnh của một ngành (tài chính), hay của một địa phương (Bắc Ninh), mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Vụ việc này cũng cho thấy, có vẻ như đang có những kẽ hở trong công tác thanh tra, kiểm tra của ngành thuế và hải quan. Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động công vụ của các cán bộ, công chức thuế, hải quan cũng đang có vấn đề.
Nói như các chuyên gia thì các quy định pháp lý phải minh bạch, rõ ràng, không chồng lấn, không có những khoảng trống… để tạo kẽ hở cho cơ quan công quyền mặc cả với DN. Và nếu có chế tài kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn thì việc "bỏ sót" những khoản thu nghìn tỷ, trong khi đi tận thu những lĩnh vực nhỏ, cần khuyến khích sản xuất, có lẽ sẽ không diễn ra.
Và việc cần làm lúc này là cơ quan thanh tra cần sớm kết luận và công khai vụ việc trước công luận, nếu thật sự có sai phạm thì phải xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin của người dân và DN, lấy lại hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam trước quốc tế.