Côn Sơn mãi vang lời Bác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khắc ghi lời dạy thiêng liêng của Người, 50 năm qua, cán bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương đã tu bổ, tôn tạo, xây dựng Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành danh thắng nổi tiếng. Côn Sơn - Kiếp Bạc lại đang nhộn nhịp vào hội mùa xuân...

Từ di nguyện thiêng liêng...

Trưa 15/2/1965, Bác Hồ về thăm Côn Sơn (Chí Linh). Sau khi thắp hương ở chùa và tổ đường, Bác đọc bia Côn Sơn, viết sổ lưu niệm, căn dặn cán bộ, nhân dân Hải Dương và các sư trụ trì chùa tích cực trồng cây phủ xanh di tích, làm cho di tích trở thành thắng cảnh du lịch của địa phương, phải biến Côn Sơn thành “tùng lâm đẹp đẽ”.

Khắc ghi lời dạy thiêng liêng của Người, 50 năm qua, cán bộ, nhân dân Hải Dương đã có những việc làm thiết thực để tu bổ, tôn tạo, xây dựng di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành danh thắng nổi tiếng trong và ngoài nước. 

Từ năm 1994 - 2000, tỉnh Hải Dương trùng tu chống xuống cấp hàng loạt hạng mục. Ở Côn Sơn, trùng tu tòa tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, tháp Huyền Quang, nhà bia, tam quan, gác chuông, giếng Ngọc, đường lên Thanh Hư Động, nền nhà Nguyễn Trãi, Thạch Bàn, Bàn Cờ Tiên với trên 600 bậc đá dài gần 2,5km, sân chùa, hồ Bán Nguyệt. Ở Kiếp Bạc, trùng tu trên 1.500m2 sân đền, giếng Mắt Rồng, 2 nhà thành các, 2 dãy dải vũ, tòa trung từ, hậu cung, tiền tế...

Không chỉ trùng tu, Hải Dương còn quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian di tích với sự ra đời của một loạt công trình mới. Tỉnh đã làm gần 5 km đường trải nhựa nội bộ di tích Côn Sơn, bãi đỗ xe... Ở Kiếp Bạc, xây dựng gần 10 km đường dây tải điện 35kV, hơn 1km đường bê-tông và 2 bãi đỗ xe rộng 11.000 m2. 
 Chưa vào chính hội nhưng khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã đón đông đảo du khách thập phương
Chưa vào chính hội nhưng khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã đón đông đảo du khách thập phương
Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc sử dụng nguồn công đức, lệ phí tham quan tu sửa, xây dựng, tôn tạo các công trình phụ trợ, vận động nhân dân công đức câu đối, đại tự, bát biểu... giá trị hàng trăm triệu đồng.
Năm 2000, đền thờ Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi với 22 hạng mục được xây dựng tại Côn Sơn. Một loạt công trình: Đền thờ Trần Nguyên Đán, nhà bia trên nền nhà cũ Nguyễn Trãi, Thạch Bàn, đường lên núi Ngũ Nhạc, nhà tả, hữu hành lang chùa Côn Sơn... cũng được xây dựng với chất lượng cao. Tiếp đó là phục hồi các công trình đã bị thiên nhiên, chiến tranh tàn phá như cầu Thấu Ngọc, Thanh Hư Động ở Côn Sơn; đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu ở đền Kiếp Bạc…

Tháng 6-2013, dự án tu bổ, tôn tạo đền Kiếp Bạc với 12 hạng mục công trình, chia thành 2 giai đoạn, tổng mức đầu tư trên 77 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành giai đoạn 1. Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2014 đánh dấu sự kiện đúc 18 pho tượng La Hán. Trong Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2015 sẽ khởi công trùng tu tòa cửu phẩm liên hoa và nhà tổ tại chùa Côn Sơn. 

 ... đến tùng lâm đẹp đẽ

Việc giữ gìn, phát triển cảnh quan thiên nhiên của di tích được các cấp, các ngành coi trọng. Di tích Côn Sơn nổi tiếng với rừng thông cổ thụ và rừng rễ gắn với cuộc đời quan Tư đồ Trần Nguyên Đán và phu nhân. Ngày nay, rừng thông này vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt. Bên hồ Côn Sơn, rừng rễ bạt ngàn vẫn trải màu xanh ngắt. Cùng với việc bảo vệ rừng thông cũ, trong những năm qua, diện tích rừng thông ở Côn Sơn liên tục được mở rộng và trồng mới, tạo cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.

Ông Hoàng Đức Lưu, Giám đốc Ban Quản lý rừng tỉnh cho biết, hiện khu di tích Côn Sơn có khoảng 1.500 ha rừng, chủ yếu là thông. Trong đó có khoảng 600 ha thông cũ (thông cổ) với những cây có niên đại 200-300 năm tuổi. Diện tích còn lại là rừng thông được trồng mới từ những năm 90 của thế kỷ trước. Hằng năm, Ban Quản lý rừng tiến hành trồng bổ sung từ 10-20ha. Từ năm 1995 đến nay, đơn vị đã trồng hoàn thiện vườn thực vật Côn Sơn rộng 30ha với khoảng 450 loài thực vật, trong đó có trên 30 loài trong Sách đỏ, tạo cảnh quan thiên nhiên và nguồn gien quý của quốc gia.

Cùng với trồng rừng, lực lượng kiểm lâm nắm bắt các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng, tổ chức tuần tra, phát hiện những người không có nhiệm vụ vào rừng khai thác lâm sản trái phép.
Nghi lễ xin mở hội Côn Sơn - Kiếp Bạc xuân 2015
Nghi lễ xin mở hội Côn Sơn - Kiếp Bạc xuân 2015
Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thường xuyên tuyên truyền người dân, du khách giữ gìn rừng thông, bãi rễ, các dòng suối xung quanh khu vực chùa, đền, trồng mới hàng nghìn cây xanh tạo cảnh quan trong khuôn viên di tích, suối Côn Sơn…  

Người dân xứ Đông hôm nay có thể tự hào vì Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành danh thắng cả nước, chốn “tùng lâm đẹp đẽ” như lời Bác dặn. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Năm 2012, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc vinh dự được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2013, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là minh chứng cho vị thế của Côn Sơn - Kiếp Bạc trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân cả nước.

Tưng bừng lễ hội mùa xuân

Một mùa xuân mới lại về. Lễ hội hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay gắn với kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn nên được tổ chức với quy mô lớn, gồm nhiều hoạt động diễn ra từ ngày 4 đến 7/3 (tức ngày 14 đến 17 tháng giêng Âm lịch).

Mặc dù chưa tới ngày khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc nhưng tại nơi này, từ trước Tết Nguyên đán, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian đã diễn ra tưng bừng. Cổng chùa Côn Sơn nhộn nhịp với các điểm hát chèo, hát quan họ. Tại tam quan nội tấp nập người đến xin chữ đầu xuân. Góp thêm sắc màu cho hội xuân là các điểm viết thư pháp Việt, ký họa chân dung ở hành lang chùa Côn Sơn...

Sự kiện đầu tiên của lễ hội xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2015 là Hội thi Bánh chưng, bánh dày vào ngày 14 tháng Giêng. Hội thi đưa chúng ta ngược về với mỹ tục độc đáo nghìn năm của cha ông. Trong không gian linh thiêng của đất trời, cháu con đất Việt thành tâm dâng hiến tổ tiên những sản vật thân quen, dân dã từ cây lúa. 

Ngoài các nghi lễ truyền thống: Lễ dâng hương, dâng bánh, Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, Lễ đàn Mông Sơn thí thực, về với hội xuân năm nay du khách sẽ được thưởng ngoạn các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật độc đáo… Đặc biệt, ngày trọng hội 6/3 (16 tháng giêng Âm lịch), du khách sẽ được đắm mình vào một chuỗi các sự kiện hấp dẫn. Buổi sáng diễn ra liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ V, buổi chiều động thổ xây dựng tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn và thi đấu giải vật dân tộc. Buổi tối diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn và lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. 

Côn Sơn – Kiếp Bạc đang tấp nập dòng người trảy hội xuân.
Chương trình Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2015
- Ngày 4/3 (14 tháng giêng): thi gói, luộc bánh chưng, giã bánh dày tại sân đá chùa Côn Sơn.
- Sáng 5/3 (15 tháng Giêng): Lễ dâng hương, dâng bánh tại chùa Côn Sơn, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, đền Kiếp Bạc, Nam Tào, Bắc Đẩu. 
- Ngày 6/3 (16 tháng Giêng): Buổi sáng, Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ V. Buổi chiều, Lễ động thổ xây dựng tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn; Khai mạc, thi đấu giải vật dân tộc. Buổi tối, Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn - khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2015.  
- Sáng 7/3 (17 tháng Giêng): Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc; hội thi đấu vật truyền thống. 
- Ngày 13/3 (23 tháng Giêng): Lễ giỗ Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả; Lễ đàn Mông Sơn thí thực.
- Các hoạt động: Chọi gà, hát quan họ, viết thư pháp, biểu diễn nghệ thuật... được tổ chức từ ngày 5 đến 7/3 (từ 15 đến 17 tháng Giêng).