Còn tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác quản lý PCCC

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 13/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018.

Không ít nơi, cơ quan PCCC ở cấp quận, huyện vừa là cơ quan phê duyệt phương án PCCC
Trong phiên giám sát tối cao hôm nay, một trong những vấn đề được đại biểu nêu, đó là chất lượng của các thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nhất là PCCC tại các công trình. Thực tế giám sát cho thấy, số lượng và chất lượng các thiết bị còn rất khác nhau. Đáng lưu ý, có những thiết bị chỉ mang tính hình thức để đối phó chứ chất lượng rất kém, và cũng có rất nhiều những thiết bị là giả và không làm được chức năng PCCC.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu ví dụ: “Vừa rồi lực lượng PCCC đi kiểm tra thì cũng phát hiện ra việc một số trụ nước chỉ là trụ giả chôn xuống dưới mà không có đường ống, hoặc thậm chí có đường ống nhưng cũng không có nước."
Trong những hạn chế, tồn tại Đoàn giám sát của QH chỉ ra, nhiều đại biểu cũng nêu tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác quản lý về PCCC. Theo đó, không ít nơi, cơ quan PCCC ở cấp quận, huyện vừa là cơ quan phê duyệt phương án PCCC, đồng thời cũng là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, chưa kể những chuyện tiêu cực.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: "Qua hỏi một số anh em, bạn bè, chỉ cần mở một cửa hàng thôi nhưng nếu tự lên phương án PCCC mà đưa đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì “rất là khổ”. Thế nhưng, nếu để cho chính các cơ quan đó gọi cho các doanh nghiệp vào làm, người ta gợi ý luôn thì khi được phê duyệt “rất là nhanh”, vì “người ta vừa làm người ta vừa phê duyệt”.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng đây cũng là câu chuyện xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, Đội trật tự xây dựng đô thị ở quận, huyện giúp UBND quận, huyện thực hiện việc xem xét để cấp phép xây dựng, nhưng cũng lại vừa là cơ quan kiểm tra để xử phạt. "Đây là vấn đề cần được cải thiện, điều chỉnh trong quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, với những tiêu cực đó, dù các doanh nghiệp, các cửa hàng tư nhân chấp nhận để được phê duyệt nhanh, nhưng cần được Quốc hội và Chính phủ quan tâm, bảo đảm công tác quản lý PCCC được thực hiện thực chất." - Ông Sỹ Cương nói.
Phải xử lý dứt điểm những quả “bom nổ chậm”
Phát biểu thảo luận chiều 13/11, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nói: "Người dân, người lao động, chủ doanh nghiệp, thủ trưởng các cơ quan đơn vị không ai mong muốn trở thành nạn nhân hay trở thành thủ phạm của các vụ cháy nổ. Tuy nhiên, qua nhận định tình hình và phân tích nguyên nhân, hậu quả, thì phần lớn các vụ cháy có nguyên nhân trực tiếp và ban đầu là nguyên nhân chủ quan."
Theo bà Lý Tiết Hạnh, cần phải tìm hiểu và xác định rõ hơn về các nguyên nhân sâu xa, cốt lõi của cháy nổ trong tình hình thực tiễn của nước ta hiện nay.
Bà Hạnh kiến nghị: "Qua nghiên cứu Báo cáo giám sát, kết quả điều tra, xử lý 50 vụ cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản giai đoạn 2014 - 2018 và thực tiễn giám sát, cần làm rõ: Vì sao cho đến nay đã gần 10 năm thực hiện Luật PCCC và nhiều văn bản dưới luật mà vẫn còn nhiều công trình có nguy cơ nguy hiểm về cháy nổ đã được đưa vào sử dụng nhưng mà chưa được thẩm duyệt thiết kế, hoặc thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC)."
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, kết quả giám sát vẫn cần làm rõ nguyên nhân vì sao, có phải do thủ tục quá rườm rà hay do chủ doanh nghiệp cố tình chây ì, lách luật để có phương án xử lý nghiêm minh, chính xác và để làm gương, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.
Đại biểu kiến nghị thêm: Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội cần thống kê cụ thể danh sách và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương, chính quyền các địa phương có biện pháp khắc phục đối với từng công trình cụ thể để xử lý dứt điểm những quả bom nổ chậm này, đồng thời Quốc hội có giám sát lại kết quả thực hiện kiến nghị của Quốc hội.
Luật PCCC đã quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cộng đồng trong công tác PCCC và những quy định pháp luật này rất rõ ràng, tuy nhiên, theo đại biểu, khi vụ việc xảy ra các cơ quan điều tra cũng chỉ rất rõ nguyên nhân trách nhiệm, nhưng qua thực tế và qua nghiên cứu 50 vụ cháy nghiêm trọng, thì nhiều nơi đã được kiểm tra, thanh tra nhiều lần nhưng việc phát hiện, chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn và việc yêu cầu khắc phục, nhiều doanh nghiệp vẫn không thực hiện và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng đề nghị cần phân tích sâu hơn về cách thức tiến hành, trách nhiệm, cũng như xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra giám sát để có đánh giá tình hình chấp hành pháp luật và quy định trách nhiệm rõ hơn.
Bà Hạnh nhận thấy: "Từ thực tiễn địa phương, chất lượng công tác thanh tra rất quan trọng, ở nhiều nơi, đoàn kiểm tra giám sát phải nắm vững quy định và phải có chuyên môn, kỹ thuật để khi mà đến cơ quan, doanh nghiệp thì chỉ ra được chỗ nào đúng, chưa đúng, chỗ nào cần phải khắc phục. Gắn với đó cũng phải hướng dẫn, cảnh báo xác đáng."
“Thực tiễn doanh nghiệp rất cần thông tin này và khi mà đã tâm phục, khẩu phục, việc chấp hành sẽ cao hơn; ngược lại nếu thanh tra, kiểm tra sơ sài, yếu về chuyên môn hoặc có dấu hiệu tiêu cực, đây là nguyên nhân khiến đối tượng bị thanh tra, kiểm tra coi thường, dẫn đến tình trạng nhờn pháp luật”, đại biểu Lý Tiết Hạnh nêu rõ.
Cũng theo đại biểu Lý Tiết Hạnh: "Cần có cơ chế riêng xử lý để công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có trách nhiệm hơn. Không cần quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đến cơ sở mà quan trọng là cơ chế xử lý kết quả như thế nào cho công khai, nghiêm túc, đến nơi, đến chốn. Trong đó, việc gắn trách nhiệm của các cơ quan, cụ thể là chính quyền địa phương các cấp, vai trò giám sát của các cơ quan dân cử là hết sức quan trọng."
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho biết, “Từ thực tiễn địa phương, sau khi đi giám sát thì đoàn giám sát đã chuyển danh sách các địa chỉ, công trình có nguy cơ gây cháy nổ cao cho UBND tỉnh và kiến nghị phải có biện pháp xử lý dứt điểm. Và việc xử lý nếu gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương thì rất hiệu quả”.
"Cần xem xét chế tài xử lý, kỷ luật cho phù hợp, bảo đảm tính nghiêm minh và phát huy tác dụng trong chấp hành pháp luật. Xử lý nghiêm việc cố tình kéo dài thời gian, đối phó, không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng về PCCC. Thực tế là có nhiều doanh nghiệp chấp hành việc xử phạt, nộp phạt nhưng mức phạt hiện nay còn thấp, chưa đủ sức răn đe." - Đại biểu Lý Tiết Hạnh nhấn mạnh.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu lực của các quyết định của cơ quan chức năng, có thẩm quyền, bà Lý Tiết Hạnh đề nghị cần rà soát các quy định pháp luật về PCCC hiện nay xem đã tốt chưa? Một số nội dung của Luật PCCC hiện hành đã lạc hậu so với tình hình.
"Đơn cử như một số công trình chuyển đổi mục đích sử dụng, một số công trình mới như tòa nhà chung cư cao trên 75m, trung tâm thương mại ngầm, kho bảo quản xăng dầu, nhà máy lọc hóa dầu..., đối chiếu với pháp luật hiện hành thì thấy vẫn còn lỗ hổng tỏng các quy định về PCCC với những công trình này" - Đại biểu Lý Tiết Hạnh dẫn chứng.