Còn vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình 02-CTr/TU trong năm 2016, tuy nhiên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (GCN QSDĐNN) sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn Hà Nội vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Tiến độ chậm

Cho tới đầu tháng 9, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai đã tiến hành kê khai được hơn 2.700 hồ sơ cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT, đạt 68,5%. Tuy nhiên, mới chỉ có 166 hồ sơ được hoàn thiện thẩm định và in GCN, chiếm 4,14%. Tương tự, toàn xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai đến nay đã lập được 1.200 hồ sơ cấp GCN QSDĐNN sau DĐĐT, đạt 67,1%, song mới chỉ hoàn thiện, chuyển lên cấp huyện được 850 hồ sơ và đã in được 154 GCN. Theo đánh giá của 2 địa phương này, khó khăn trong quá trình thực hiện là thiếu sơ đồ thửa đất, phương án giao ruộng chưa hoàn thiện, thậm chí có gia đình bị mờ, mất hồ sơ gốc, không đối chứng được số liệu nên không lập được hồ sơ cấp GCN QSDĐNN.
 Làm giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ dồn điền đổi thửa tại xã Cấn Hữu, Quốc Oai. Ảnh: Quang Thiện
Diện tích đất thực hiện DĐĐT của huyện Quốc Oai là hơn 4.300ha, tương đương với hơn 60.200 thửa đất của trên 28.700 hộ gia đình. Theo đánh giá của Huyện ủy, so với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, tiến độ thực hiện cấp GCN QSDĐNN cho Nhân dân trên địa bàn huyện còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cấp ủy, chính quyền xã có biểu hiện chủ quan, chưa thực sự cố gắng, còn lúng túng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nên kết quả đạt được chưa cao.
Tại huyện Ba Vì, tổng diện tích đã được thực hiện DĐĐT là hơn 5.300ha với tổng số 54.958 hộ dân. Đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện mới hoàn thiện được 530 hồ sơ cấp đổi, cấp lại GCN QSDĐNN sau DĐĐT gửi về Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội huyện Ba Vì. Theo lãnh đạo huyện, trong quá trình triển khai cấp GCN QSDĐNN còn vướng mắc như thiếu hồ sơ pháp lý sau khi DĐĐT do công tác lưu trữ kém. Đặc biệt, một số địa phương chưa thực hiện đúng quy trình DĐĐT theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT dẫn tới vướng mắc cho khâu cấp GCN.

Không trông chờ, ỷ lại

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP, tính đến tháng 7/2016, toàn TP mới cấp được gần 188.000 GCN QSDĐNN cho Nhân dân, đạt khoảng 20,4%. Trong đó, một số huyện có tỷ lệ cấp GCN QSDĐNN đạt cao như Đan Phượng, Ứng Hòa, Thường Tín, còn lại đạt khá thấp. Lý giải về thực trạng này, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, công tác chỉ đạo ở một số địa phương về đo đạc, cấp GCN QSDĐNN còn thiếu quyết liệt dẫn đến tiến độ chậm. Bên cạnh đó, một số địa phương để thất lạc hồ sơ, phương án DĐĐT, hồ sơ đo đạc, biên bản gắp thăm giao ruộng cho Nhân dân, gây khó khăn cho việc cấp GCN QSDĐNN.
Thời gian qua, Tổ công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP đã tích cực đi kiểm tra, hướng dẫn thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc cấp GCN QSDĐNN. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo cơ bản hoàn thành việc cấp GCN QSDĐNN trong năm 2016, Tổ công tác đề nghị TP đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí cho Nhân dân. Các huyện, thị xã khẩn trương thực hiện rà soát, hoàn thiện việc phê duyệt đề án DĐĐT theo quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai cấp lại, cấp đổi GCN QSDĐNN cho các hộ gia đình, cá nhân. Trong quá trình triển khai, kế thừa tối đa tài liệu bản đồ, sơ đồ đã có, không chờ kết quả đo đạc. Sau khi hoàn thành đo đạc bản đồ sẽ tiến hành chỉnh lý biến động đất đai theo quy định.
Cùng với đó, các địa phương cần có sự phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng trong thực hiện nhiệm vụ. Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, dự kiến theo kế hoạch, đến hết tháng 9, các huyện, thị xã sẽ cấp được 475.000 GCN QSDĐNN và trong 3 tháng cuối năm sẽ cấp được 100.000 GCN/tháng để hoàn thành vào cuối năm 2016. “Đến nay, hệ thống các văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách, con người hỗ trợ cho việc cấp GCN QSDĐNN đã cơ bản đầy đủ. Do đó, dù còn có những khó khăn, vướng mắc nhưng các địa phương phải thực sự quyết tâm thì mới hoàn thành mục tiêu đề ra” - ông Đông nhấn mạnh.