Condotel sẽ dẫn dắt thị trường?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) đã trải qua năm 2019 với đầy rẫy khó khăn và sự đổ vỡ ban đầu của phân khúc BĐS căn hộ khách sạn (condotel) tại dự án Cocobay Đà Nẵng khiến thị trường càng trở nên chao đảo. Nhưng theo đánh giá, sự đổ vỡ này sẽ giúp cho DN có những định hướng thực tế hơn trong quá trình phát triển và condotel sẽ trở thành sản phẩm dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

Condotel sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. 
Nỗi lo về pháp lý
Thống kê từ Bộ Xây dựng, năm 2019, số dự án condotel được thẩm định mới giảm khoảng 80% so với giai đoạn 2016 - 2017. Trong khoảng thời gian này có trên 30.000 căn hộ condotel được giao dịch thành công nhưng đến hết quý III/2019 chỉ có trên 2.500 sản phẩm được giao dịch, đáng chú ý riêng quý III/2019 chỉ có gần 200 sản phẩm được bán thành công trên thị trường. Năm 2018 giá trung bình condotel cả nước tiệm cận mốc 40 triệu đồng/m2 nhưng đến quý IV/2019 chỉ ghi nhận 35 triệu đồng/m2, giảm 8%. Tuy nhiên, mức độ tìm kiếm của người dùng online đối với sản phẩm condotel vẫn tương đối cao.
Vấn đề lo ngại nhất của cả DN và người đầu tư là câu chuyện về pháp lý. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Trần Kim Chung cho biết, năm 2019, thị trường BĐS Việt Nam chứng kiến nhiều biến động, nhất là khi thị trường bước sang giai đoạn tài chính hóa thông qua việc phát triển kênh trái phiếu, chứng khoán của các DN BĐS, nguồn tài chính từ hoạt động M&A, quỹ đầu tư... đổ vào thị trường BĐS tương đối lớn; cùng với đó là sự đổ vỡ ban đầu của phân khúc condotel. “Trong khi Bộ KH&ĐT đã ra nhiều văn bản pháp luật về vấn đề thu hút vốn theo hình thức PPP, thì đối với lĩnh vực BĐS vẫn còn nhiều vấn đề về pháp lý, đặc biệt là dòng sản phẩm condotel, officetel vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào” – ông Chung cho hay.
Sớm phục hồi và phát triển
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam có tốc độ “kinh tế mở” cao nhất thế giới chiếm tới 78%, trong khi đó nhiều quốc gia phát triển như Mỹ là 14%, Trung Quốc là 19%, Đức là 43%... Đầu tư của Chính phủ, đầu tư PPP, FDI vào BĐS cũng có xu hướng tăng. Năm 2020, khi kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu phục hồi sẽ tạo thêm điều kiện cho thị trường BĐS phát triển. “Lợi thế duy nhất của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay là đường bờ biển dài, trải từ Bắc vào Nam, các sản phẩm BĐS ven biển mới được khai thác trong vài năm trở lại đây, khi đất đai tại các đô thị ngày càng trở nên chật hẹp, thì những nhà phát triển BĐS sẽ hướng tầm nhìn về cùng ven biển. Trong thời gian tới, condotel sẽ là dòng sản phẩm chủ lực, dẫn dắt thị trường BĐS” – ông Nghĩa nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, trong thời gian qua, sản phẩm condotel gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý nhưng vấn đề này sớm muộn sẽ được xử lý. Vấn đề quan trọng nhất liên quan đến thành công của một dự án condotel là vị trí. Nếu vị trí tốt, tỷ lệ lấp đầy và tỷ suất lợi nhuận cao sẽ đảm bảo được những cam kết của chủ đầu tư với khách hàng và ngược lại. “Ngành du lịch Việt Nam đang phát triển và chắc chắn sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Trong khi giá BĐS nghỉ dưỡng ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Không lâu nữa, condotel sẽ được nâng tầm lên cao hơn cùng với sự phát triển của ngành du lịch” – ông Đính nhận định.