Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ ngày 1/1/2019
Tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/1/2019 đối với mặt hàng xăng (trừ etanol) lên mức 4.000 đồng/lít; thuế môi trường đối với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng có ảnh hưởng đến môi trường như: Than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, túi nylon, các loại thuốc khử trùng thuộc loại hạn chế sử dụng.
Trước đó, trong báo cáo thẩm tra bổ sung Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đánh giá, thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết bắt đầu từ 1/1/2019 sẽ không tác động làm tăng chỉ số CPI của năm 2018 đã được Quốc hội quyết định và bảo đảm dư địa cho Chính phủ điều chỉnh chỉ số lạm phát 2019, hạn chế tối thiếu tác động đến đời sống người dân và hoạt động của nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thông tin thêm, nếu điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường thì 1 năm thu được khoảng 15.189 tỷ giúp cho đầu tư để xử lý vấn đề môi trường. Công cụ thuế này một mặt tạo nguồn thu để xử lý vấn đề môi trường, một mặt là công cụ để giảm được ô nhiễm môi trường thông qua việc xử lý đối với những sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường.
Thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng tại 10 tỉnh, thành trước năm 2020
Tại Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4/10/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tại 10 tỉnh, TP trực thuộc trung ương, bao gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh và Tiền Giang.
Đồng thời khuyến khích các tỉnh, TP trực thuộc trung ương khác chủ động thực hiện thí điểm theo quy định tại Nghị quyết này. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/12/2019.
Theo đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND là cơ quan hành chính nhà nước tương đương cấp Sở, thuộc UBND cấp tỉnh, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND cấp tỉnh. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng và các đơn vị trực thuộc...
Nghị quyết quy định biên chế công chức của Văn phòng nằm trong tổng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước của địa phương và không vượt quá tổng biên chế hiện có của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất.
Biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND do UBND cấp tỉnh quản lý, được xác định theo vị trí việc làm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị. Biên chế công chức của Văn phòng không bao gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND và Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo lĩnh vực được phân công.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng cấp ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương trong việc phối hợp phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND cấp tỉnh...
Các địa phương thực hiện thí điểm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trước ngày 1/1/2020.
Trường hợp đến hết ngày 31/12/2019 mà các luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa có hiệu lực pháp luật thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND cấp tỉnh ở những nơi thực hiện thí điểm tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi các luật sửa đổi, bổ sung các luật trên có hiệu lực thi hành.
Tiếp tục huy động nguồn vốn vay nước ngoài
Ngoài 2 Nghị quyết trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn ban hành 5 Nghị quyết quan trọng khác.
Cụ thể, tại Nghị quyết số 571/NQ-UBTVQH14 ngày 10/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập 9 Tòa án quân sự quân khu và tương đương trên cơ sở các Tòa án quân sự quân khu và tương đương hiện hành; và thành lập 10 Tòa án quân sự khu vực trên cơ sở các Tòa án quân sự khu vực hiện hành. Tổng biên chế của Tòa án quân sự các cấp là 310 người, trong đó có 130 Thẩm phán.
Tại Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH14 ngày 10/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung 450 Thẩm phán sơ cấp cho Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong tổng biên chế.
Tại Nghị quyết số 573/NQ-UBTVQH14 ngày 11/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị về việc thành lập phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên và TP Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang.
Tại Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH14 ngày 4/10/2018 về việc bổ sung kinh phí mua bù hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung 197 tỷ đồng cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 để mua bù 3 mặt hàng hạt giống cây trồng đưa vào dự trữ quốc gia, gồm: 2.223 tấn hạt giống lúa, 550 tấn hạt giống ngô và 103 tấn hạt giống rau đã xuất cấp hỗ trợ nhân dân năm 2017.
Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 5/10/2018 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: Trong điều kiện nguồn vốn trong nước còn khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn, việc tiếp tục huy động nguồn vốn vay nước ngoài trong giai đoạn 2016 - 2020 và các giai đoạn tiếp theo là cần thiết.
Để hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài và giữ vững kỷ luật tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung rà soát lại hệ thống pháp luật và tình hình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nguồn vốn vay nước ngoài.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, điều kiện, mức độ ưu đãi của các nguồn vốn dành cho Việt Nam, cân đối với khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước và của các tổ chức sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài; từng bước cơ cấu lại tỷ trọng vay nước ngoài trong nợ công, tập trung vay vốn nước ngoài cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Quốc hội quyết định.