Công bố chỉ số PAPI 2016: Người dân hài lòng hơn với dịch vụ hành chính công

Bảo Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2016 do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) công bố ngày 4/4, cho thấy xu hướng tích cực trong cung ứng dịch vụ công.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) thể hiện đánh giá của người dân thông qua trải nghiệm và cảm nhận của họ về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền. Hơn 14.000 người dân từ tất cả 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã được lựa chọn phỏng vấn ngẫu nhiên.
Kết quả khảo sát cho thấy, dịch vụ hành chính công từng bước được cải thiện. Người dân nhìn chung hài lòng hơn với các thủ tục đăng ký cấp giấy phép xây dựng và dịch vụ hành chính cấp xã, phường cho giấy tờ tùy thân. Dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đạt điểm thấp nhất trong số bốn loại dịch vụ hành chính công PAPI đo lường...
Trong sáu chỉ số nội dung, chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng mạnh nhất ở 35 tỉnh, thành so với năm 2011. Cụ thể, nhận thức của người dân về y tế công lập cải thiện rõ rệt do số lượng người có bảo hiểm y tế tăng từ 62% năm 2015 lên 73% năm 2016. Báo cáo cũng cho thấy, chất lượng chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em tăng mạnh: 32% người khảo sát cho biết dịch vụ dành cho trẻ em dưới 6 tuổi “rất tốt”, cao hơn so với tỷ lệ 23% năm 2015.
Tuy nhiên, chỉ số kiểm soát tham nhũng khu vực công năm 2016 có xu hướng giảm điểm. Tỷ lệ người dân cho biết họ phải chi “lót tay” cho công chức để làm xong sổ đỏ và cho giáo viên tiểu học công lập để con em được quan tâm hơn vẫn tiếp tục tăng lên trong năm 2016. Bên cạnh đó, khoảng 54% số người dân cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực Nhà nước, cao hơn tỷ lệ 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011. Một xu hướng tích cực ghi nhận được trong năm 2016 đó là số người cho rằng cần phải đưa hối lộ để tiếp cận dịch vụ y tế công cộng cấp quận, huyện giảm từ 43% năm 2015 xuống 39% năm 2016.
Nhưng PAPI 2016 chỉ ra một hiện tượng đáng quan ngại, đó là người dân dường như đã quen và cam chịu sống chung với nạn tham nhũng vặt, chạy chọt, hối lộ... Một con số so sánh rất đáng chú ý, đó là: Nếu năm 2011, có hơn 9% người được hỏi cho biết sẽ tố giác nếu bị vòi vĩnh, đến năm 2016, số người tố giác chỉ còn khoảng 3%. Nếu trong năm 2011, bị vòi vĩnh, 5 triệu người dân sẽ tố giác, đến năm 2016, phải vòi vĩnh lên tới trên 25 triệu đến gần 30 triệu, người dân mới tố giác.
Theo TS Paul Schuler, chuyên gia quản lý chất lượng khảo sát PAPI của UNDP so với kết quả khảo sát năm 2015, năm 2016, tỷ lệ người dân cho rằng môi trường là mối quan ngại lớn nhất tăng 10%. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy người dân cả nước ngày càng quan ngại hơn về ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Hơn 67% số người sống gần sông, ngòi cho biết chất lượng nước từ những nguồn này kém hơn so với ba năm trước, và 36% số người trả lời cho rằng chất lượng không khí kém hơn so với ba năm trước. 

Chúng tôi hy vọng rằng, với dữ liệu PAPI năm 2016 và 5 năm tới, Chính phủ có thêm nguồn thông tin tham khảo để theo dõi và đánh giá những nỗ lực hiện nay trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân.

PGS. TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng