Công bố Chỉ số PAPI 2019: Sự hài lòng của người dân chưa có cải thiện vượt bậc

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Chính quyền đã mất khá nhiều thời gian để tạo thêm sự hài lòng của người dân nhưng chưa có được sự cải thiện vượt bậc như mong muốn. Các địa phương đều có kế hoạch để tăng chỉ số PAPI, song từ việc có chỉ thị, kế hoạch tới khi có kết quả ban đầu là một hành trình rất khó khăn; nhiều địa phương có nghị lực chính trị nhưng triển khai ở cấp dưới chưa mạnh mẽ..." Đó là nhận định của các thành viên nhóm nghiên cứu PAPI tại lễ công bố trực tuyến "Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam năm 2019" (PAPI 2019) diễn ra hôm nay (28/4).

 Lễ công bố trực tuyến "Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam năm 2019 (PAPI 2019)", do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam triển khai.

Thủ tục hành chính công” không có tiến bộ đáng kể
Theo nhóm chuyên gia UNDP, Chỉ số PAPI tổng hợp theo khảo sát từ năm 2015-2019 có sự thay đổi rõ rệt theo từng năm, cho thấy người dân cảm nhận công tác quản trị của chính quyền đã có sự cải thiện tích cực. Điều này thể hiện ở hầu hết nội dung cấu thành nên Chỉ số được cải thiện trong 5 năm qua, trong đó “tham gia của người dân ở cơ sở”, “công khai minh bạch”, “trách nhiệm giải trình với người dân”, “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “cung ứng dịch vụ công (DVC)” đều có tiến bộ đáng kể.
Cụ thể, nội dung kiểm soát tham nhũng có tiến bộ rất nhiều kể từ năm 2017. Nguyên nhân dẫn đến sự cải thiện này, theo cách chuyên gia, trước hết do độ nhận hối lộ ở cấp địa phương đã giảm, cho thấy có tiến bộ về mức độ kiểm soát tham nhũng ở địa phương. Thứ hai, có thể do hiệu ứng lan tỏa của chiến dịch phòng chống tham nhũng trên cả nước trong vài năm lại đây, với một số đại án tham nhũng đã khiến một số quan chức cao chức phải vào tù vì hành vi tham nhũng. Nhìn vào thay đổi giữa năm 2018 và 2019 thấy có cải thiện 5% ở các cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp địa phương, cho thấy kết quả đánh giá cải thiện về kiểm soát tham nhũng ở cấp quốc gia thể hiện chiến dịch phòng chống tham nhũng đã có tác động đến cảm nhận của người dân, còn đánh giá ở cấp địa phương nói lên có sự thay đổi thực tế về mức độ tham nhũng ở cấp địa phương.
Trong khi đó, về nội dung thủ tục hành chính (TTHC) công - lĩnh vực đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện chất lượng và hiệu quả tiếp cận TTHC công cho người dân thì lại là chỉ số thành phần duy nhất không có sự tiến bộ đáng kể. Chính phủ đã rất cố gắng mở rộng nền tảng Chính phủ điện tử để cho phép người dân tiếp cận và hoàn thành hồ sơ trực tuyến, nhưng không có tiến bộ đáng kể trong TTHC. Lý do trước tiên về tiếp cận internet của người dân, tăng đáng kể số người có internet ở nhà (từ 30% năm 2016 lên 60% vào 2019), song tỷ lệ người dân thực hiện TTHC trên nền tảng điện tử rất thấp (năm 2016 chỉ 6% người làm TTHC cấp giấy chứng nhận trên mạng và năm 2019 vẫn không cải thiện nhiều), dù tỷ lệ lên mạng để làm những việc khác đạt cao. Không có khác biệt đáng kể về mức độ hài lòng của người dân làm TTHC trực tuyến so với làm TTHC bằng phương thức truyền thống. Những điều này cho thấy, để giúp cải thiện điểm số TTHC công, cần nỗ lực rất nhiều để mở rộng việc đưa TTHC công lên mạng, cải thiện chất lượng các TTHC công trực tuyến nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ này hơn.
 Giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa của Bộ Nội vụ
Hà Nội cần nỗ lực mạnh mẽ hơn
Tại lễ công bố, TS Đặng Hoàng Giang- thành viên 9 năm qua của nhóm nghiên cứu PAPI đã công bố bức tranh PAPI ở khía cạnh các tỉnh, TP.
Theo đó, về nội dung công khai minh bạch, nhóm các tỉnh, TP có màu xanh da trời (16 tỉnh, TP tốt nhất) tập trung khá nhiều ở phía Bắc, nhưng trong các tỉnh phía Bắc cũng có tương phản khá mạnh (tỉnh màu xanh da trời nằm cạnh tỉnh có màu vàng nhạt- nhóm yếu kém nhất, dù điều kiện KT-XH khá giống nhau), trong đó Hà Nội đáng tiếc nằm trong nhóm vàng nhạt. Phía Nam, Nam Trung Bộ lác đác có tỉnh, TP nằm ở nhóm tốt nhất nhưng màu vàng nhạt vẫn là chủ đạo. So với năm 2018, một số tỉnh năm 2019 tăng trưởng trên 5% (Hậu Giang, Sơn La, Hậu Giang tăng gần 10%) trong khi một số tỉnh thụt lùi (Kontum giảm gần 10%, Lạng Sơn 7%…). Đặc biệt, tỷ lệ người dân biết đến, có cơ hội góp ý vào kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất 9 năm qua không có thay đổi lớn (chỉ khoảng 20%), là lý do dẫn đến các vụ việc kiện tụng tranh chấp đất đai kéo dài thời gian qua. Đồng thời, tỷ lệ người dân có dịp đóng góp cho dự thảo kế hoạch sử dụng đất của địa phương chỉ đạt 30%, thậm chí thuyên giảm qua các năm qua (năm 2019 đạt dưới 30%).
Đáng chú ý, về trục nội dung quan trọng của Chỉ số PAPI là “Kiểm soát tham nhũng ở khu vực công”, trái ngược bức tranh về công khai minh bạch, trong nội dung này, phần lớn địa phương thuộc nhóm xanh da trời lại nằm ở phía Nam, cụ thể là đồng bằng Sông Cửu Long. Nhiều năm nay, các tỉnh này luôn được người dân đánh giá về kiểm soát tham nhũng tốt hơn ở miền Bắc và miền Trung. Ở phía Bắc phần lớn màu vàng nhạt (nhóm yếu kém nhất), trong đó có Hà Nội; chỉ lác vài tỉnh như Hà Nam, Quảng Ninh có màu xanh. TP. Hồ Chí Minh cũng nằm trong nhóm với Hà Nội, còn Đà Nẵng xếp thứ ba. Đây là đánh giá của người dân gây nhiều suy nghĩ về các thành phố lớn.
Trong khi đó, tín hiệu mừng là khoảng 2/3 số địa phương có dao động trong dải tần 5%, nhất là 1/3 các tỉnh tăng quá 5%, trong đó xuất sắc có Hà Nam, Hậu Giang tăng 15-20% so với năm 2018, trừ một số ít tỉnh như Bắc Ninh, Lai Châu tụt lùi quá 5%. Nhìn chung cả nước có tăng trưởng tốt trong lĩnh vực này, cũng do năm qua liên tiếp các đại án về tham nhũng được đưa ra xét xử, ảnh hưởng tốt đến cảm nhận của người dân về chống tham nhũng.
Tuy nhiên, trong các lĩnh vực của kiểm soát tham nhũng, yếu kém nhất là chỉ số thành phần “tuyển dụng vào khu vực nhà nước”, không có tăng trưởng đều trong 9 năm qua. Điều này, theo nhóm nghiên cứu, người dân cho rằng “sự quen thuộc”, “phong bì”, “đút tay” vẫn là những biện pháp quen thuộc để vào làm việc trong bộ máy Nhà nước.
 Đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội kiểm tra đột xuất bộ phận Một cửa UBND huyện Thanh Trì
Về cung ứng DVC (y tế công lập ở cấp quận huyện, giáo dục tiểu học công lập, hạ tầng cơ bản, ANTT ở địa phương), kết quả cho thấy mỗi miền có một số tỉnh nằm trong nhóm tốt nhất. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh vẫn thuộc nhóm dẫn đầu; Hà Nội đáng tiếc thuộc nhóm trung bình thấp. Theo nhóm nghiên cứu, lĩnh vực này khó có thay đổi đột phá do phụ thuộc nhiều vào hạ tầng cơ sở, đầu tư trường học, bệnh viện. Năm qua phần lớn các tỉnh thay đổi trong 5%, chỉ vài tỉnh có vượt trội như Trà Vinh tăng gần 10%, Bình Dương, Đồng Nai tăng 8-9%, nhưng phần lớn không giảm dưới 5%. 4 năm qua, riêng y tế công lập có bước tiến đáng kể, song giáo dục tiểu học không có sự tăng trưởng rõ ràng.
Đánh giá chung về Chỉ số tổng hợp của PAPI, các nhà nghiên cứu cho rằng, nhóm tốt nhất nằm rải rác ở 3 miền, trong đó có một số tỉnh miền núi phía Bắc vốn có điều kiện khó khăn; ngược lại, Hà Nội và Hải Phòng có điều kiện thuận lợi hơn thì lại ở nhóm yếu nhất. Phía Trung, Bắc Trung Bộ vẫn nhiều năm nay dẫn đầu cả nước (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng…). Phía Nam có nhiều tỉnh trung bình, trung bình thấp; riêng TP Hồ Chí Minh thuộc nhóm trung bình cao. Nhìn lại 9 năm, liên quan đến 6 trục nội dung của PAPI, phần lớn các tỉnh có tăng trưởng. Trong đó, các tỉnh tăng tốt là Trà Vinh, Cao Bằng, Bạc Liêu; Bình Định, Sơn La, Bà Rịa Vũng Tàu, QuảngTrị hầu như không tăng, thậm chí Long An tăng trưởng âm. Phần lớn địa phương có tăng trưởng dương, nhưng hầu như không đáng kể (1-2%/năm).
“Như vậy, chính quyền mất khá nhiều thời gian để tạo thêm sự hài lòng của người dân nhưng chưa có được cải thiện vượt bậc như mong muốn. Các địa phương đều có kế hoạch để tăng chỉ số PAPI, song từ khi có chỉ thị, kế hoạch tới khi có kết quả ban đầu là một hành trình rất khó khăn; nhiều địa phương có nghị lực chính trị nhưng triển khai ở cấp dưới chưa mạnh mẽ, trong đó Hà Nội rất cố gắng nhưng năm qua vẫn nằm ở nhóm thấp nhất, chênh lệch nhiều so với Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Chắc chắn trong năm 2020, quản trị và hành chính công của Việt Nam vẫn gặp rất nhiều thách thức; hy vọng người dân, chính quyền địa phương và T.Ư sẽ nỗ lực nhiều hơn để vượt qua, tạo thêm niềm tin cho người dân. Trong đó, tác động của môi trường sẽ là một mục cơ bản cùng với chính quyền điện tử, để PAPI ngày càng thiết thực với người dân” - TS Đặng Hoàng Giang khẳng định.

Bến Tre, Đồng Tháp, Quảng Ninh đạt mức điểm tổng hợp cao nhất trên Bảng Chỉ số PAPI 2019. Trong đó, Bến Tre tiếp tục đạt cao nhất (46,74 điểm) với 7 chỉ số thành phần có điểm cao nhất (trừ chỉ số Chính phủ điện tử có điểm trong nhóm thấp). Cũng trong nhóm điểm trung bình tốt nhất có 16 tỉnh, TP, dải điểm từ 44,8 - 46,74 điểm.

Nhóm có điểm số trung bình cao cũng gồm 16 tỉnh, từ 43,72 - 44,72 điểm. TP Hồ Chí Minh nằm trong nhóm này với 43,79 điểm, tăng hơn mức 42,4 năm 2018.

Nhóm điểm số trung bình thấp có 15 tỉnh, từ 42,38 - 43,7 điểm. Thái Bình có điểm cao nhất trong nhóm này.

Trong 16 tỉnh còn lại trong nhóm điểm số thấp nhất, có Hà Nội với mức 41,53 điểm. Hà Nội chỉ có 2 chỉ số thành phần là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và quản trị điện tử đạt mức điểm trung bình cao; chỉ số cung cấp DVC đạt điểm trung bình thấp; còn lại đều rơi vào nhóm điểm thấp.

Thấp nhất trong bảng xếp hạng điểm tổng hợp là Bình Định, 40,84 điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần