Công bố đề án Tủ sách Huế và ra mắt ấn phẩm Địa chí văn hóa Huế

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc hình thành Tủ sách Huế nhằm mục tiêu giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô.

Ngày 17/3, tại di tích lầu Tàng Thư, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố đề án Tủ sách Huế và ra mắt ấn phẩm của tủ sách Huế - Địa chí văn hóa Huế.
Nghi thức ra mắt Địa chí văn hóa Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định, việc hình thành Tủ sách Huế nhằm mục tiêu giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc. Đồng thời giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực... phục vụ cho công cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tủ sách Huế được hình thành với logo nhận diện riêng, mang tính thương hiệu riêng của Huế không chỉ quảng bá văn hóa Huế mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện con người; đồng thời tôn vinh các tác giả, người đọc và những người tham gia sưu tầm, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu sau lễ công bố, các sở ngành liên quan thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ phân công theo lộ trình đề án Tủ sách Huế giai đoạn 2020 - 2025 đã đề ra, nhằm phát triển một cách sâu rộng và chất lượng. Đề án này chính là bước khởi đầu để thực hiện mục tiêu ra mắt một sản phẩm văn hóa tri thức cho riêng Huế, một sản phẩm quà tặng độc đáo để giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế.
“Tin tưởng rằng, tất cả chúng ta – những người yêu Huế, có trách nhiệm với Huế sẽ chung sức, chung lòng, toàn tâm, toàn ý, toàn trí, toàn lực thực hiện thành công Đề án thiết lập và phát triển Tủ sách Huế, vì một Huế phát triển và luôn luôn mới”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Sau khi trao logo Tủ sách Huế cho đại diện quản lý là Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng thời tặng ấn phẩm Địa chí Văn hóa Huế cho các chủ thể quản lý và sử dụng ấn phẩm Tủ sách Huế.
Địa chí Văn hóa Huế là phần cuối cùng trong 5 ấn phẩm của bộ địa chí Thừa Thiên Huế. Bộ địa chí này được biên soạn dưới hình thức địa chí tổng hợp, gồm 5 hợp phần: Tự nhiên; Lịch sử; Dân cư - Hành chính; Kinh tế; Văn hóa. Đây là công trình được UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN triển khai từ nhiều năm trước; lần lượt hoàn thành và xuất bản các hợp phần, gồm: Địa chí Thừa Thiên Huế phần Tự nhiên và Lịch sử, xuất bản năm 2005; phần Dân cư - Hành chính, xuất bản năm 2013; phần Kinh tế, xuất bản năm 2014; và địa chí Thừa Thiên Huế phần Văn hóa vừa được xuất bản vào cuối năm 2020.