Theo ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, tại phiên toàn thể lần thứ nhất vào ngày 3/6/2016, lãnh đạo Chính phủ đã khẳng định Chính phủ trông đợi một Diễn đàn tập hợp tiếng nói từ “gốc lên ngọn” như vậy, mỗi kỳ tập trung vào một vài chủ điểm phát triển, bàn sâu. Trên tinh thần đó, tại phiên họp thứ hai của Diễn đàn ngày 31/7/2017, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, tổ chức đối thoại tập trung và chương trình hành động thực hiện nghị quyết 10, Hội nghị Trung ương 5, khóa XII và 3 ngành được xác định là ưu tiên phát triển gồm: nông nghiệp, kinh tế số và du lịch.
Đặc biệt, trước đề xuất của Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF II) về việc dành ưu tiên quyền tiếp cận cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân và đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thay đổi cách thức khai thác và cơ cấu nguồn vốn, Chính phủ đã có nhiều biện pháp và thành công cụ thể trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngay sau diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương dự thảo sửa đổi và lấy ý kiến về sửa đổi hoặc ban hành mới Nghị định thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích cực và thuận lợi hơn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập cơ quan xúc tiến thương mại chuyên trách và Quốc hội đã sửa Luật về cơ quan đại diện, thông thoáng hơn với đại diện các bộ kinh tế ở nước ngoài. Về lĩnh vực du lịch, Bộ Công an đã mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử lên 46 nước, lãnh thổ thay cho 40 nước trước đây với mức hợp lý hơn.
Về kinh tế số nhiều nội dung được cả nền kinh tế đề cập đã và đang được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực như: ứng dụng kinh tế số vào mọi lĩnh vực kinh tế như thu thuế điện tử, thanh toán điện tử, thực hiện thủ tục hành chính điện tử, thông quan điện tử, giảm giao dịch tiền mặt, ứng dụng số vào quản trị, đào tạo… Đây thực sự là những động thái tích cực, tạo nên một xung lực mạnh mẽ về niềm tin, nỗ lực hợp tác và cùng chung tay thúc đẩy của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Công bố về sách trắng, Tổng Thư ký VPSF II Đào Huy Giám khẳng định, Sách trắng VPSF lần I, 2016 đã được luân chuyển báo cáo, trình các Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các cấp Đảng, chính quyền, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cùng các thành viên, các hiệp hội là đối tác liên quan tham khảo. Qua đó, có những tác động nhất định, tạo nên sự thay đổi tích cực,đáng ghi nhận tại các bộ, ngành. “Năm 2017, sách trắng tiếp tục là tài liệu chính thức của Diễn đàn VPSF và chuyển tải những thông điệp tổng hợp tới doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ cùng các cơ quan công quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý và phục vụ doanh nghiệp, các đối tác quốc tế quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam”, vị này nhấn mạnh.