Công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố 12 luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố 12 luật.

 Trong đó gồm: Luật Quản lý ngoại thương, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Du lịch; Luật Thủy lợi; Luật Đường sắt; Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đây là các Luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV.

Đáng chú ý, Luật Quản lý Ngoại thương lần đầu tiên khẳng định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân chỉ bị hạn chế nếu thuộc các trường hợp mà luật quy định biện pháp cấm, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Trước câu hỏi của báo chí về những biện pháp để luật sớm đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo, ban hành 5 Nghị định hướng dẫn. Bởi mục đích ban hành luật là nhằm giúp cho việc đảm bảo hoạt động quản lý Nhà nước về ngoại thương được thuận lợi, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các DN hoạt động. Các điều kiện về giấy phép cũng sẽ được công khai, minh bạch để cộng đồng theo dõi, giám sát.

Làm rõ thêm những quy định mới trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết: Luật áp dụng ba tiêu chí lao động, doanh thu, nguồn vốn để xác định DN nhỏ và vừa. Trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với một trong hai tiêu chí là tổng nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng) hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng). Luật quy định việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong việc tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung. Các nội dung hỗ trợ trọng tâm đối với DN nhỏ và vừa bao gồm: hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch có hiệu lực từ 1/1/2018 thể hiện quan điểm lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Luật cũng chú trọng hơn đến việc bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch thông qua việc quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành bằng việc quy định trình độ chuyên môn của người phụ trách kinh doanh lữ hành…

Trước vấn đề nhiều ý kiến quan tâm trong Luật Thủy lợi quy định chuyển từ ''phí'' sang ''giá'' sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Luật sẽ giúp tạo động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi. Cơ chế giá quy định tại luật là cơ sở pháp lý để thu đúng, thu đủ từ các dịch vụ thủy lợi phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng thu cho ngân sách Nhà nước để tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi cho khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn.

Trong Luật Đường sắt được công bố, điểm được quan tâm là các nội dung chủ yếu liên quan đến đường sắt tốc độ cao. Trong đó, bao gồm yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao, chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao, yêu cầu về kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao, quản lý, khai thác, bảo trì, quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao. Các nội dung này là cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư đường sắt tốc độ cao của nước ta trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần