Công bố rõ từng địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là trao đổi của ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội với...

Kinhtedothi - Đó là trao đổi của ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội với Kinh tế & Đô thị về việc triển khai quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản thời gian tới, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sau khi vụ việc rau không rõ nguồn gốc được tuồn vào tiêu thụ tại trường Mầm non Nhật Tân vừa bị phát hiện.

Đợt cao điểm hành động vì ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN&PTNT phát động đã đi được nửa chặng đường. Ông có thể cho biết về kết quả triển khai tại Hà Nội?Công bố rõ từng địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn - Ảnh 1

- Với nông nghiệp, năm nay là năm trọng điểm về ATTP. Ngay từ đầu năm, ngành đã tập trung cho nhiệm vụ này, đến cuối năm lại tiếp tục phát động đợt cao điểm hành động vì VSATTP, trong đó tập trung kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP đã thực hiện hết sức nghiêm túc quản lý vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản, phân cấp đến quận, huyện, xã, phường. Đến nay, cơ bản các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản thuộc cấp TP quản lý đã được thống kê, phân loại theo Thông tư 45 của Bộ NN&PTNT. Còn ở cấp quận, huyện đang tiếp tục triển khai nhưng với số lượng 19.000 cơ sở thì cũng cần phải có thời gian. Qua các đợt kiểm tra vừa rồi, tất cả mẫu thức ăn chăn nuôi, nước tiểu mà ngành nông nghiệp Hà Nội lấy để kiểm tra chưa phát hiện chất cấm.

Thực tế theo thông tin từ Thanh tra Bộ NN&PTNT vẫn phát hiện chất cấm tại một trang trại ở Hoài Đức. Vậy, theo ông, khó khăn trong việc kiểm soát chất cấm hiện nay là gì?

- Khó khăn trong kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi là không phải người chăn nuôi tự ý đưa vào sử dụng mà do thương lái cung cấp. Do đó, phải kiểm soát chặt, truy tận gốc nguồn cung cấp chất cấm này. Hiện nay, Sở NN&PTNT không có đường dây nóng tiếp nhận thông tin về chất cấm nhưng ngành nông nghiệp có rất nhiều chân rết đến tận cơ sở như đội ngũ cán bộ thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông… sẵn sàng tiếp nhận, phản hồi thông tin.

Lực lượng chức năng vừa phát hiện vụ việc cung cấp rau không rõ nguồn gốc vào trường Mầm non Nhật Tân, quận Tây Hồ. Đây không phải lần đầu tiên phát hiện sự việc như thế này. Vì sao tình trạng trên vẫn chưa được xử lý triệt để, thưa ông?

- Hiện nay, lĩnh vực cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng, bếp ăn tập thể vẫn còn nhiều kẽ hở. Qua việc này cần xem xét 2 vấn đề. Thứ nhất là các trường học, bếp ăn tập thể khi ký hợp đồng quá tin vào phía cung cấp rau mà không kiểm tra xem năng lực công ty như thế nào. Ví dụ công ty chỉ có 5ha rau nhưng cung cấp cho số lượng lớn gấp nhiều lần... Thứ hai là về phía đơn vị cung cấp rau do lòng tham hoặc sản xuất không đủ số lượng nên thu mua rau không rõ nguồn gốc ở bên ngoài trà trộn vào. Như vậy là không thật thà trong kinh doanh. Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo kiên quyết xử lý các trường hợp này, thông báo cho các khách hàng cắt hợp đồng để những công ty làm ăn tử tế tồn tại, phát triển được...

Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các địa phương, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải chỉ rõ những địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn. Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai việc này như thế nào?

- Sở đang tập trung xây dựng các chuỗi sản xuất an toàn. Nếu qua kiểm tra từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ đảm bảo thì sẽ được xác nhận thực phẩm an toàn. Hiện nay, băn khoăn nhất của Chính phủ tới Bộ NN&PTNT, lãnh đạo TP là nói rau an toàn, thực phẩm an toàn nhưng người tiêu dùng không biết mua ở đâu. Bởi vậy, tới đây, Sở sẽ làm chỉ rõ địa điểm cho người tiêu dùng biết để tìm mua thực phẩm an toàn. Nếu thí điểm thành công, năm 2016 sẽ triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm về ATTP. Thứ nhất là xây dựng 35 chuỗi ATTP gồm rau, thịt, quả, chè có quản lý xác nhận chất lượng và công bố công khai. Thứ hai, sẽ kiểm soát các chuỗi rau cung cấp đến các nhà hàng, bếp ăn tập thể. Thứ ba, kiểm soát thí điểm 2 chuỗi thủy sản đầu tiên. Thứ tư, tập trung giải quyết vấn đề chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần