Công bố sách Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/4, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ công bố sách lịch sử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh 1930-1975, với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.

Tại lễ công bố, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã trân trọng trao tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cuốn sách Lịch sử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh 1930-1975.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải trao tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cuốn sách Lịch sử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh 1930-1975.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải trao tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cuốn sách Lịch sử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh 1930-1975.
Sau hơn 10 năm chuẩn bị, cuốn sách Lịch sử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh 1930-1975 đã hoàn thành. Cuốn sách được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật phối hợp với Thành ủy TP Hồ Chí Minh biên tập và xuất bản đúng dịp kỷ niệm 39 năm, tiến tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015).

Với gần 1.000 trang sách khổ lớn và nhiều ảnh tư liệu quý, cuốn sách trình bày quá trình ra đời, xây dựng và phát triển của Đảng bộ Thành phố từ khi còn “trứng nước” đến khi trở thành một Đảng bộ dày dạn kinh nghiệm, lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh cách mạng giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự, binh địch vận trong cuộc chiến tranh cách mạng kéo dài 30 năm (1945-1975) qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Các sự kiện và nhân vật lịch sử, các lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng, truyền thống quật cường và sự hy sinh vô bờ bến của Đảng bộ, quân và dân thành phố được trình bày chân thật, khách quan, vừa khái quát vừa tương đối đầy đủ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết Đảng bộ và nhân dân thành phố vô cùng tự hào về lịch sử giai đoạn 1930-1975, trong đó vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng là nhân tố quyết định trong cuộc chiến đấu vô cùng cam go, quyết liệt, hy sinh, gian khổ của nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, đương đầu trực tiếp với các thế lực thực dân, đế quốc sừng sỏ và tay sai rất thâm độc, hung hãn, tàn bạo ngay tại trung tâm sào huyệt - nơi trú đóng các cơ quan đầu não của chúng và giành những chiến công chói lọi, thắng lợi vẻ vang, tạo nên lịch sử hào hùng của Đảng bộ thành phố.

Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định “đứng ở đầu sóng ngọn gió, giữa sào huyệt của kẻ thù, vẫn luôn một dạ kiên trung bất khuất”, cùng miền Nam “đi trước về sau” qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ mà vô cùng oanh liệt. Trong mỗi chiến công của thành phố đều “có máu xương, công sức và trí tuệ của chiến sĩ và đồng bào khắp mọi miền đất nước”.

Dựa vào dân, nhờ trí tuệ và sức mạnh lòng dân, 45 năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ thành phố là những trang sử sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, năng động sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố.

Bí thư Lê Thanh Hải nhấn mạnh, cuốn sách Lịch sử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh 1930-1975 là một công trình khoa học lớn, có giá trị sâu sắc về chính trị, tư tưởng và có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử của thành phố.

Từ kết quả nghiên cứu khoa học và nhãn quan chính trị thực tiễn đúng đắn, đầy trách nhiệm, 7 bài học kinh nghiệm được rút ra, bao hàm mối liên hệ giữa lịch sử và hiện tại với nhiều tầng ý nghĩa; vẹn nguyên giá trị lịch sử để vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo Cương lĩnh của Đảng. Cuốn sách cũng thể hiện lòng tri ân sâu nặng với các thế hệ đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Do vậy, cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung, giá trị cuốn sách Lịch sử Đảng bộ thành phố đến đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, thanh-thiếu niên thành phố và cả nước.

Cuốn sách gồm 4 phần lớn:

Phần thứ nhất: Đảng bộ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định ra đời và lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công tại thành phố (đầu năm 1930 đến tháng 8/1945).

Phần thứ hai: Đảng bộ lãnh đạo nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (tháng 9/1945-tháng 7/1954).

Phần thứ ba: Đảng bộ lãnh đạo nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (tháng 7/1954 đến 30/4/1975).

Phần Tổng luận: Trình bày khái quát về sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố trong 45 năm đấu tranh cách mạng ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định cùng những bài học về xây dựng Đảng bộ, về sự lãnh đạo của Đảng bộ được rút ra từ thực tiễn sinh động, phong phú của công cuộc cách mạng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần