Công đoàn Thủ đô: Sát cánh cùng người lao động vượt đại dịch

Bài, ảnh: Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid- 19, Công đoàn Thủ đô đã chủ động, tích cực tham gia cùng các cấp, các ngành tập trung ứng phó với dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe của người lao động (NLĐ), đồng thời chú trọng vào nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống, hỗ trợ để NLĐ vượt qua khó khăn.

Chăm lo, hỗ trợ kịp thời
Tại Hà Nội, theo thống kê của các cấp Công đoàn Hà Nội, đến nay có gần 4.200 đơn vị, DN ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có hơn 1.000 DN tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, với hơn 19.300 công nhân lao động bị mất việc, gần 142.000 công nhân lao động thiếu việc làm. TP cũng có gần 46.000 giáo viên, NLĐ khối giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng mất hoặc thiếu việc làm.
Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP, ảnh hưởng nặng nề nhất là DN, NLĐ ở khối ngành dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử - những lĩnh vực sản xuất phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Lê Đình Hùng (ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản (ngoài cùng bên trái) thăm, tặng quà cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách LĐLĐ TP Đặng Thị Phương Hoa cho biết, giữa tháng 3/2020, LĐLĐ TP đã ban hành Kế hoạch tổ chức chăm lo cho đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19. Theo đó, các công đoàn cấp trên cơ sở tiếp tục nắm chắc tình hình quan hệ lao động, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với NLĐ bị ngừng việc do dịch. Công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc và các khoản phúc lợi khác cho NLĐ trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo đúng quy định.
Nhằm chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, các cấp công đoàn đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho gần 58.600 trường hợp công nhân, viên chức lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh. LĐLĐ TP đã trích gần 1,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Công đoàn TP hỗ trợ gần 1.600 đoàn viên công đoàn (1 triệu đồng/người) bị ảnh hưởng trực tiếp dịch bệnh, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, mất việc làm do dịch. Cùng với TP, các công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở cũng hỗ trợ NLĐ khó khăn với mức 500.000 đồng/người.
Ngoài ra, các cấp Công đoàn TP đã tổ chức thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ gần 1.190.000 khẩu trang, gần 83.000 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn; hỗ trợ quần áo phòng hộ kháng khuẩn, máy đo thân nhiệt, các trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm..., cũng như ủng hộ hơn 11,3 tỷ đồng tiền mặt để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong NLĐ và cộng đồng.
Bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Thời gian qua, cùng với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cấp công đoàn trên địa bàn TP cũng đã vào cuộc tích cực, bảo về quyền lợi NLĐ. Tại quận Nam Từ Liêm chia sẽ những sự khó khăn của nhiều đơn vị, DN trong mùa dịch, LĐLĐ quận đã kịp thời triển khai các kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Cụ thể, đã trang bị hơn 80.800 khẩu trang, hơn 17.500 nước dung dịch rửa tay sát khuẩn, 700 bộ quần áo phòng hộ, 258 máy đo thân nhiệt, 567 lọ nước lau sàn, 50 chiếc áo gió, 120 bánh xà phòng, 10kg bột cloramin cho các đơn vị, DN.
Bên cạnh đó, LĐLĐ quận cũng hỗ trợ 61 công nhân lao động với số tiền 30,5 triệu đồng; LĐLĐ TP hỗ trợ 86 công nhân lao động với số tiền 48 triệu đồng. “Ngoài ra, các công đoàn cơ sở cũng đã hỗ trợ gần 5.500 công nhân lao động với số tiền 3,5 tỷ đồng”- Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp cho biết. Đây chính là nguồn động viên to lớn để các công đoàn cơ sở cùng quận và TP vượt khó, phòng chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19, sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại Công ty Khang Vĩnh Phong Phú, khu công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), chị Nguyễn Thu Hiền- công nhân may chia sẻ: “Từ đầu tháng 3, công ty chuyên may xuất khẩu sang châu Âu đã phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ lúc đó đến nay, công nhân được sự quan tâm của LĐLĐ huyện Thanh Trì, MTTQ TP hỗ trợ tiền, gạo, mì tôm để duy trì cuộc sống. Ngoài ra, cũng được chủ nhà trọ giảm 200.000 đồng tiền thuê nhà một tháng để giúp vượt qua giai đoạn khó khăn này”…
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng, thời gian tới, LĐLĐ TP sẽ đề xuất với Thường trực Thành ủy và lãnh đạo UBND TP Hà Nội có chính sách hỗ trợ về thu nhập cho NLĐ, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động… Bên cạnh đó, đề nghị có hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho công nhân lao động bị mất việc làm, giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
LĐLĐ TP cũng đề nghị UBND TP Hà Nội sớm chỉ đạo các quận, huyện, thị xã; các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lao động, tránh trường hợp DN lợi dụng ảnh hưởng dịch bệnh để cắt giảm quyền lợi của NLĐ, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với công nhân lao động bị ngừng việc, mất việc do dịch bệnh Covid-19.