Công nghệ giáo dục - ngành của tương lai

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công nghệ giáo dục (CNGD) là một lĩnh vực tương đối rộng lớn gồm khoa học giáo dục, công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông cộng với các kiến thức rút ra từ thực hành giáo dục.

 Ảnh minh họa
Trong khi ở các nước khác, sản phẩm của CNGD đã rất phổ biến thì tại Việt Nam hiện nay chưa có cơ sở giáo dục nào đào tạo ngành học này. Trước thực tế sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường thất nghiệp nhiều, Bộ GD&ĐT ngày càng siết chặt chỉ tiêu đào tạo giáo viên, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuyển đổi ngành Sư phạm Kỹ thuật sang CNGD. Trong câu chuyện về mở ngành CNGD, PGS.TS Thái Thế Hùng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội khẳng định: ĐH Bách khoa Hà Nội là trường đầu tiên trong cả nước mở ngành đào tạo CNGD. Mục tiêu của trường là đào tạo nguồn nhân lực có năng lực về công nghệ để phát triển giáo dục. Đặc biệt, tập trung chủ yếu vào năng lực CNTT và truyền thông để áp dụng vào trong giáo dục và đào tạo của thời đại kỷ nguyên số cũng như cách mạng công nghiệp 4.0.
Do trước đây chưa có trường nào mở ngành CNGD, trong khi nhu cầu học trực tuyến ở trong nước đang có xu hướng phát triển, số người học qua mạng nhiều lên, vì thế cơ hội việc làm của sinh viên học ngành này rất lớn. “Năm 2016, các nước phát triển thu được hơn 100 tỷ USD từ các chương trình giáo dục trực tuyến với hơn 60 triệu người học. Tại Việt Nam đang trong giai đoạn manh nha nên số người học trực tuyến chưa nhiều. Nhưng với phong trào học tập suốt đời và học ở mọi lúc, mọi nơi thì cơ hội việc làm rất tốt” - thầy Hùng khẳng định. Theo tính toán của Viện Sư phạm kỹ thuật ở mức dưới, mỗi trường ĐH cần 5 nhân lực CNGD và trường phổ thông là 2 thì hơn 29.000 cơ sở giáo dục thuộc hệ thống Bộ GD&ĐT cần khoảng 60.000 chuyên gia CNGD. Đó là chưa tính hơn 1.000 trường cao đẳng và trung cấp thuộc Bộ LĐTB&XH quản lý cũng sẽ cần một lực lượng tương đối.

Theo thầy Hùng, những người tốt nghiệp ngành CNGD đầu tiên trong cả nước có nhiều cơ hội được lựa chọn vị trí việc làm. Những người tốt nghiệp CNGD hoàn toàn có thể đảm nhiệm được vai trò cán bộ thiết kế các khóa học, chương trình đào tạo hay chuyên viên quản trị hệ thống dạy học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục. Với việc trang bị những kiến thức chuyên sâu về CNTT cộng với lý luận về công nghệ dạy học, sinh viên ngành CNGD cũng có cơ hội trở thành chuyên viên thiết kế và phát triển học liệu số và các sản phẩm về công nghệ giáo dục (web, các trò chơi giáo dục mô phỏng…). Người học CNGD cũng đảm nhiệm được công việc của cán bộ giáo dục STEM trong các trường phổ thông, chuyên viên phát triển nội dung tại phòng kỹ thuật của hệ thống đài phát thanh trên cả nước… Chuyên viên thiết kế phát triển các sản phẩm và dịch vụ CNGD tại các công ty thiết bị trường học, nhà xuất bản cũng là điểm đến của sinh viên học ngành CNGD.