Công nghệ là lời giải cho chuyển đổi số

Tiến Thành (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các DN muốn chuyển đổi số thành công cần tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ để phân tích xu hướng, nắm bắt nhu cầu thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Ông Lê Đình Nhân - Trung tâm đào tạo Quản trị mạng và An ninh mạng quốc tế Athena, nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Xin ông cho biết chuyển đối số trong DN cần được hiểu như thế nào?

- Trước hết, chúng ta cần hiểu chuyển đổi số là quá trình tích hợp công nghệ kỹ thuật để tạo ra hoặc cải thiện quy trình điều hành sản xuất kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, để đáp ứng các thay đổi của môi trường kinh doanh và yêu cầu của thị trường.

Thực tế, đời sống mỗi cá nhân luôn song hành cùng hoạt động chuyển đổi số khi chúng ta sử dụng internet, email, drive, hay cập nhập thông tin qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... Các ứng dụng này hiện tại không còn là những ứng dụng mà được các hãng công nghệ phát triển thành một hệ sinh thái. Chính vì vậy, DN không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số. Lãnh đạo DN cũng như nhân viên cần nhận thức rằng chuyển đổi số là quá trình tất yếu mang tính toàn cầu và cần bắt nhịp càng nhanh càng tốt, coi chuyển đối số là nhu cầu bức thiết để phát triển hoạt động kinh doanh.

Thông thường, chuyển đối số được thực hiện theo 3 bước: Số hóa dữ liệu, tự động hóa các quy trình quản trị và cuối cùng là hai bước trên cộng với nền tảng văn hóa thích ứng nhanh để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh quá trình sáng tạo trong quản trị và sản xuất kinh doanh.

Ông có đánh giá thế nào về thực trạng chuyển đổi số tại các DN Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp?

- Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, DN đã và đang chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ hơn. Các DN đã tận dụng được công nghệ Big data, điện toán đám mây, Internet vạn vật để thu thập, phân tích tập dữ liệu khách hàng tương ứng với ngành nghề mình kinh doanh. Thực tế đã có nhiều DN nhanh chóng số hóa dữ liệu để từ đó định hướng kế hoạch phát triển kinh doanh rõ ràng, thích nghi trước những tác động tiêu cực.

Một khi DN có sự chuẩn bị tốt trong quá trình chuyển đổi số sẽ nâng cao được sự cạnh tranh, đảm bảo quá trình quản trị, giám sát, vận hành DN xuyên suốt ngay cả khi xảy ra các tình huống không mong muốn xảy ra.

Vậy các DN cần làm gì để chuyển đổi số nhanh và mạnh hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập với nền kinh tế toàn cầu?

- Có thể nói, đất nước đang đứng trước cơ hội mới cần đến sự đóng góp của các DN công nghệ. Chúng ta đã có những tập đoàn vươn ra thế giới như Viettel, Vingroup, FPT… Tuy nhiên, DN Việt Nam hiện nay còn bắt nhịp khá chậm với công cuộc chuyển đổi số. Khảo sát về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cho thấy có tới 82% số DN đang ở vị trí mới nhập cuộc, 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% DN bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu. 16/17 ngành khảo sát ưu tiên đều đang có mức sẵn sàng thấp.

DN cần nhận thức rõ ràng về sức mạnh của công cuộc chuyển đổi số để thay đổi nhanh chóng trước thách thức phát triển và tiếp cận với nhiều cơ hội kinh doanh, đặc biệt là với đối tác nước ngoài trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời, DN Việt Nam nên tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ để chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, từ đó thu thập, phân tích nhu cầu thị trường nước ngoài để thiết lập kế hoạch kinh doanh đúng hướng, tạo ra được lợi thế cạnh tranh với các DN nước ngoài không chỉ tại thị trường trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới.

Xin cảm ơn ông!