Công nghiệp 73 năm sau Cách mạng Tháng Tám: Dấu ấn thời đổi mới

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số thống kê cho thấy, công nghiệp ước năm 2018 cao gấp nhiều lần năm 1939 - năm phát triển nhất của công nghiệp trước Cách mạng Tháng Tám.

Èo uột nền công nghiệp trước cách mạng
Nền công nghiệp của Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có 9 đặc điểm nổi bật. (1) Số cơ sở công nghiệp có rất ít ỏi (vào năm 1939, cả nước chỉ có 200 xí nghiệp công nghiệp); tuy có một số cơ sở cá thể, nhưng rất nhỏ lẻ, chủ yếu là nghề phụ, kiêm nhiệm khi nông nhàn. (2) Năng lực sản xuất công nghiệp còn rất nhỏ bé. (3) Kỹ thuật sản xuất còn lạc hậu. (4) Phần lớn số xí nghiệp công nghiệp là của nước ngoài và chủ DN là người nước ngoài; DN dân tộc và chủ DN người bản xứ có số lượng không đáng kể. (5) Tổng số công nhân làm việc trong ngành công nghiệp có khoảng 90.000 người, chủ yếu là một đời, công nhân nhiều đời có rất ít. (6) Hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nhằm vơ vét tài nguyên thuộc địa, bóc lột nhân công rẻ mạt bản xứ, nhằm phục vụ chiến tranh, hoặc nhằm nô dịch người dân bản địa (như khai thác than, vàng, thiếc, điện, xi măng, rượu bia, dệt, đóng tàu,...), phục vụ thực dân, phong kiến... (7) Số loại sản phẩm rất ít ỏi, chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến cái kim sợi chỉ cũng phải nhập khẩu; sản lượng chưa có bao nhiêu... (8) Năng suất lao động trong ngành còn rất thấp. Tạm tính tốc độ tăng năng suất lao động năm 2016 so với năm 1939, thì năng suất lao động công nghiệp trước Cách mạng chưa bằng một phần ba ngày nay. (9) Đời sống vật chất và tinh thần của người công nhân rất thiếu thốn, cực nhọc, do cường độ lao động cao, thời gian làm việc nhiều, thu nhập thấp, an toàn lao động không được bảo đảm...
Công nghiệp ước năm 2018 so với năm 1939 (lần). Ảnh: Tính từ số liệu của Tổng cục Thống kê.
Sau ngày 2/9/1945, do tác động của chiến tranh, giá trị sản xuất công nghiệp năm 1955 chỉ còn bằng 39% năm 1939, bình quân một năm giảm 5,6%. Tiếp theo là hàng chục năm chiến tranh, hàng chục năm duy trì cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, rồi bị khủng hoảng, bị bao vây cấm vấn, bị hụt hẫng về viện trợ, vốn đầu tư, thị trường khi CNXH ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu sụp đổ, nên giá trị sản xuất công nghiệp (đã loại trừ yếu tố giá) bình quân một năm trong thời kỳ 1976 - 1990 chỉ tăng 5,75%, trong đó có một số năm còn bị giảm.

Tăng trưởng ấn tượng trong thời kỳ đổi mới

Công nghiệp thực sự phát triển từ 1991. Trong thời kỳ 1991 - 2008, giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục, với tốc độ cao (hai chữ số) - được coi là thời kỳ phát triển nhanh và ổn định nhất từ trước tới nay. Năm 2008 so với năm 1990, giá trị sản xuất đã cao gấp 11,7 lần (bình quân một năm tăng 14,6%, cao gấp trên 2,5 lần tốc độ tăng bình quân năm thời kỳ 1976 - 1990). Tăng trưởng đạt được ở cả 3 khu vực. Trong đó, khu vực nhà nước cao gấp 5,6 lần và tăng 10%/năm; khu vực ngoài nhà nước cao gấp 14,1 lần và tăng 15,8%/năm, cao gấp trên 1,5 lần tốc độ tăng của khu vực nhà nước; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao gấp 29,2 lần và tăng 20,6%/năm, cao nhất trong 3 khu vực, cao gần gấp rưỡi tốc độ tăng chung. Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế có sự chuyển dịch theo hướng: tỷ trọng công nghiệp khu vực nhà nước giảm nhanh (từ 49,6% năm 1996 xuống 24,9% năm 2005 và xuống dưới 16% hiện nay); tỷ trọng công nghiệp khu vực ngoài nhà nước tăng khá (từ 23,9% năm 1996 lên 31,3% năm 2005 và lên trên 34% hiện nay); tỷ trọng công nghiệp khu vực FDI tăng nhanh (từ 26,5% năm 1996 lên 43,8% năm 2005 và lên trên một nửa hiện nay). Với tỷ trọng lớn hơn, với tốc độ tăng cao hơn, công nghiệp khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI đã trở thành đầu tàu, động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

Công nghiệp cùng với xây dựng đã chiếm vị trí ngày càng quan trọng. GDP do nhóm ngành này tạo ra ước năm 2018 so với năm 1990 cao gấp gần 12,5 lần, tăng 9,54%/năm, cao hơn nhiều so với con số tương ứng của tổng GDP (5,8 lần và 6,49%/năm). Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP đã tăng từ 22,67% năm 1990 lên 33,4% năm 2017. Công nghiệp (và xây dựng) đã trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Nguyên nhân từ đâu?

Kết quả trên đạt được do nhiều nguyên nhân, được xét dưới các góc độ khác nhau.

Nguyên nhân có tầm quan trọng hàng đầu là đường lối Đổi mới, mở cửa hội nhập đã góp phần giải phóng sức sản xuất, khai thác các nguồn lực của các thành phần kinh tế ở trong nước và thu hút các nguồn lực trên thế giới cho phát triển công nghiệp.

Ông cha ta đã dạy “phi nông bất ổn”. Nhờ đổi mới nông nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng (lương thực đã có “bát ăn bát để”, có xuất khẩu với khối lượng đứng thứ hạng cao trên thế giới, nông nghiệp đã chuyển từ độc canh lúa nước sang phát triển tương đối toàn diện...), đất nước đã cơ bản ra khỏi cuộc khủng hoảng. Đây là điều kiện để đất nước chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện lời dạy của Ông cha “phi công bất phú” và mục tiêu cơ bản tạo tiền đề để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thực hiện đường lối Đổi mới, hàng loạt các luật về DN ra đời, đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Lượng vốn đầu tư vào công nghiệp - xây dựng chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Cùng với đường lối Đổi mới, việc mở cửa, hội nhập trong điều kiện toàn cầu hóa, thế giới phẳng đã thu hút một lượng vốn lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Khu vực FDI đã đóng góp lớn đối với công nghiệp - xây dựng. Tính từ 1988 đến nay, lượng vốn FDI đăng ký đầu tư vào công nghiệp - xây dựng đạt gần 234 tỷ USD, chiếm 66,7% tổng số; tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế của cả nước ước đạt 50%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó một số mặt hàng kỹ thuật - công nghệ cao còn chiếm tỷ trọng cao hơn, thu ngân sách của khu vực FDI (không kể dầu thô), chiếm trên 11% tổng thu ngân sách (không kể dầu thô).

Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng trong sản xuất công nghiệp hiện cũng còn nhiều việc phải làm. Cơ cấu công nghiệp còn mang nặng tính gia công, lắp ráp. Khu vực sản xuất trong nước còn chiếm tỷ trọng nhỏ cả về sản xuất, cả về xuất khẩu. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã không thực hiện được và mục tiêu mới sớm trở thành nước công nghiệp cũng gặp khó khăn. Mục tiêu này đòi hỏi công nghiệp cần nhanh chóng; giảm tính gia công, lắp ráp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, đổi mới thiết bị kỹ thuật - công nghệ, đưa công nghiệp về nông thôn... để chế biến nông, lâm - thủy sản, làm tăng giá trị gia tăng, bảo vệ và cải thiện môi trường...