Công nghiệp chế biến nông sản tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ NN&PTNT, công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu phát triển đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp, tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn nhằm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chế biến, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

 Công nghiệp chế biến nông sản tạo việc làm cho hàng triệu lao động
Từ năm 2013 – 2019, công nghiệp chế biến nông sản trong nước đã có bước phát triển mạnh trên cả về quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 - 7%. Xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến.
Nhờ công nghiệp chế biến nông sản, tăng trưởng các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong những năm qua cũng phát triển nhanh. Việt Nam tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó, có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD/năm.
Các nhà máy chế biến nông lâm thuỷ sản phần lớn được xây dựng ở nông thôn, các vùng sâu, vùng xa, kinh tế kém phát triển, đã đóng góp tích cực trong việc cải thiện bức tranh kinh tế - xã hội nông thôn. Thu hút, khơi dậy và phát huy nội lực của các thành phần kinh tế, thoát ly bao cấp, vươn lên từ ý thức tự lực, tự cường. Đồng thời, hình thành các thị trấn, thị tứ tại khu vực nhà máy.
Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản đã giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà phần lớn là con em nông dân. Bình quân số lao động cho một doanh nghiệp là 154 người, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng; góp phần to lớn cho xóa đói giảm nghèo ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.