Công nghiệp hỗ trợ: Khắc phục điểm yếu kết nối

Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách cho công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chưa rõ ràng, nhiều chính sách chưa đến được DN.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của sự yếu kém này là do sự liên kết giữa các DN còn yếu. Việc thành lập một hiệp hội chuyên ngành được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, giúp định hướng CNHT phát triển thời gian tới.

Không còn quan niệm phụ trợ

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến nay, DN trong lĩnh vực linh kiện phụ tùng phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại đã đáp ứng được từ 85 - 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15 - 25% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô, khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và khoảng từ 40 - 60% cho sản xuất máy động lực; Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành CNHT công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Trong lĩnh vực linh kiện, thiết bị phục vụ cho sản xuất thiết bị đồng bộ (bao gồm sản xuất máy móc thiết bị tàu thủy, điện, than, xi măng…) chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị thiết bị. Đối với lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, hiện đang đáp ứng 30 - 35% nhu cầu linh kiện điện tử gia dụng... Như vậy có thể thấy, không phải là ngành công nghiệp phụ trợ mà hiện không ai có thể phủ nhận, những ngành công nghiệp sản suất linh kiện, phụ tùng là một phận không thể thiếu và nó hỗ trợ rất nhiều cho phát triển công nghiệp cũng như mang lại giá trị kinh tế lớn.

Sản xuất các linh, phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam, Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam

Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), giá trị mà ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện đóng góp vào GDP chỉ khoảng 14%, trong khi đó, con số này ở Thái Lan là khoảng 26%, Trung Quốc là 36%. Việc cung ứng của lĩnh vực này cho các lĩnh vực hạ nguồn khác cũng khá thấp: Điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt 5%...

CNHT không thể cứ đứng ngoài

“Trong số nhiều nguyên nhân của sự yếu kém trong phát triển CNHT thời gian qua có nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ việc liên kết giữa các DN còn yếu. Đặc biệt, sự liên kết giữa các DN nước ngoài và trong nước còn hạn chế. Vì thế, việc thành lập Hiệp hội CNHT Việt Nam là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, liên kết các DN với nhau, phản ánh chính sách để các cơ quan quản lý hoàn thiện chính sách, từ đó góp phần tạo động lực cho ngành CNHT phát triển” - ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại Lễ thành lập Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) cuối tuần qua.

Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel và hiện cũng đang là đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Nguyễn Quốc Bình từng đánh giá, khó khăn mà DN trong nước gặp phải không chỉ là sự thiếu thiện chí của nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà còn là khó khăn về vốn, công nghệ. Hiện, DN Việt Nam đa số là DN nhỏ và vừa và siêu nhỏ. Những DN siêu nhỏ làm CNHT chắc chắn chỉ lợi dụng chộp giật, khó mà có đầu tư bài bản. Nên muốn làm lớn phải đưa công nghệ cao vào mới giải quyết được. Tham gia Ban chấp hành và là một trong 7 Phó Chủ tịch VASI, ông Nguyễn Quốc Bình và các hội viên đại diện cho các DN cho rằng, DN tham gia hiệp hội với hy vọng sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ thực sự, có sự kết nối giữa các DN trong ngành, để tận dụng ưu thế công nghệ sẵn có của các DN thuộc ngành CNHT Việt Nam, đồng thời có cơ hội mở rộng thị trường, thị phần của mình. Bên cạnh đó, nhiều DN bày tỏ hy vọng việc trở thành hội viên của VASI sẽ giúp DN có nhiều đơn hàng hơn trong sản xuất cùng việc được kết nối với các tổ chức quốc tế, có chuyên sâu về công nghệ để nhận được sự chuyển giao công nghệ.

Trao đổi với báo giới, ông Lê Dương Quang - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch VASI cam kết, thời gian tới, VASI sẽ nỗ lực để thực sự trở thành cầu nối ráp mối các DN trong hiệp hội nhằm tăng cường liên kết, hợp tác. Đây vốn là khâu rất yếu của các DN công nghiệp Việt Nam

nói chung và CNHT nói riêng. VASI cũng sẽ chủ động thực hiện việc kết nối DN với thị trường. Chú trọng và tranh thủ hợp tác với các tổ chức nước ngoài. Khâu phát triển hội viên cũng sẽ được chú trọng từ con số 140 hội viên hiện tại.