Công nghiệp hỗ trợ và nguy cơ tụt hậu

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận hội trường về tình hình kinh tế - xã hội (1/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề cập đến vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT).

Ông cho hay hiện có khoảng 30 DN cung cấp linh kiện điện tử trực tiếp cho Samsung tại Việt Nam nhưng trong số này chưa có DN nội địa nào.

Một câu nói đã trở thành nổi tiếng khi đề cập đến thực trạng yếu kém của ngành CNHT, đó là Việt Nam không đủ khả năng làm được bu-lông, ốc vít, vốn là các linh kiện đơn giản và cơ bản nhất trong bất cứ một ngành và lĩnh vực có sử dụng thiết bị máy móc nào. Dĩ nhiên câu nói trên có phần phóng đại, nhưng rõ ràng, thông tin mà Tư lệnh ngành công thương đưa ra đang cho thấy điều đó.

Lắp ráp ôtô Forcia. Ảnh: Lê Tuấn

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương “mạnh dạn nêu rõ”, có phần chủ quan là sự chưa đồng bộ và hiệu lực, hiệu quả của cơ chế, chính sách chưa cao… Cùng với đó, CNHT do phần lớn DN nhỏ và vừa đảm nhiệm, đây là bức tranh chung của toàn thế giới, nhưng DN Việt Nam quá nhỏ và quá yếu cả về vốn, nhân lực, năng lực tham gia chuỗi...

Công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp mũi nhọn như ôtô, cơ khí, điện tử, may mặc… đến nay vẫn ì ạch ở điểm xuất phát kể từ tháng 2/2011, thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách phát triển CNHT rồi tiếp đến là Nghị định 115 ban hành từ năm 2015.

Lâu nay, chúng ta vẫn quan niệm CNHT là lĩnh vực sản xuất ra các linh kiện phục vụ các ngành công nghiệp khác, có thể dễ dàng giải quyết bằng cách nhập khẩu linh kiện thiết bị từ nước ngoài. Chính cách tiếp cận này đã đem lại những hệ lụy nguy hiểm mà giờ đây nó mới bắt đầu lộ ra sau một thời gian dài tích tụ. Trước hết, nó buộc kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nặng nề hơn vào nhập khẩu. Mỗi năm, Việt Nam mất vài chục tỷ USD do phải nhập khẩu các sản phẩm linh phụ kiện phục vụ các ngành công nghiệp sản xuất. Hệ lụy thứ hai, thậm chí nghiêm trọng hơn, là nó khiến rất nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam trì trệ và suy yếu hơn nhiều so với khả năng thực sự (do phải nhập linh kiện giá thành sẽ cao lên). Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam.

Chính việc ngành CNHT quá yếu kém là nguyên nhân khiến cho kinh tế Việt Nam không thể đuổi kịp các nền kinh tế trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan. Trong khi thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì Việt Nam vẫn chưa khởi động xong CNHT của riêng mình. Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sebastian Eckardt quan ngại, nếu không nhanh chóng phát triển CNHT, kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng bị phần còn lại của thế giới bỏ xa hơn trước khi rơi vào tụt hậu hoàn toàn.