Công suất phòng khách sạn giảm sút mạnh

Bài, ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và giảm hiệu quả kinh doanh của ngành du lịch, trong đó tỷ suất lấp đầy phòng khách sạn ghi nhận có sự giảm sút mạnh.

Công suất lấp đầy giảm
Đến thời điểm hiện tại, khi Covid-19 lan rộng, lượng khách du lịch, lưu trú giảm sút, khiến nhiều khách sạn phải cắt giảm bớt nhân sự hoặc phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2020 tỷ suất lấp đầy buồng phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm khoảng 26% so với cùng kỳ năm 2019.
Các hoạt động kinh doanh, lưu trú đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, tình hình kinh doanh của hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống và các cơ sở mua sắm trên địa bàn TP cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 58%; kinh doanh hội nghị giảm 61%; kinh doanh nhà hàng, tiệc... giảm 60%.
Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, gần như không có khách đặt phòng mới tại các khách sạn đến đầu tháng 6. Trong số các điểm đến ven biển, Đà Nẵng/Hội An đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất do những nơi này có sự phụ thuộc lớn vào nguồn khách nước ngoài cùng với lượng lớn nguồn cung gia nhập thị trường, dẫn tới tình trạng hiện nay nhiều dự án chỉ đạt mức công suất từ 10 - 20%.
Thậm chí ở một số dự án chủ đầu tư còn đang xem xét việc tạm ngưng hoạt động trong thời gian tới. Tình trạng này cũng đang xảy ra ở Cam Ranh nhưng nhờ vào nhóm du khách Nga và khách nội địa, các Khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại khu vực này vẫn duy trì hoạt động. Phú Quốc duy trì mức công suất khoảng 40% trong tháng 2. Tuy nhiên, việc tạm ngưng nhận các chuyến bay trong thời gian tới sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến công suất phòng tại đây.
Tại Hà Nội, gần 20.000 lượt khách quốc tế, hơn 19.000 lượt khách nội địa đã hủy tour đến Thủ đô vì lo ngại dịch bệnh, từ đó kéo theo gần 56.000 đêm phòng tại các cơ sở lưu trú bị hủy, số lượng khách đặt phòng hủy tương ứng gần 78.000 lượt. Một số doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ và tạm ngừng hoạt động.
“Cùng với việc rất nhiều khách nhỏ công suất vừa và nhỏ phải đóng cửa dừng hoạt động; thì tại những khách sạn có quy mô lớn đã và đang nhận được lượng lớn các yêu cầu hủy phòng, dự báo trong thời gian tới các hoạt động kinh doanh lưu trú, bao gồm cả căn hộ dịch vụ, khách sạn và các khu nghỉ dưỡng... tỷ suất lấp đầy buồng phòng sẽ tiếp tục giảm” - ông Lê Xuân Vinh - Hội khách sạn phố cổ Hà Nội nhận định.
Mong thị trường sớm phục hồi
Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương Mauro Gasparotti cho biết, mặc dù công suất lấp đầy phòng khách sạn có sự giảm sút mạnh nhưng tại các TP trung tâm như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn duy trì được mức công suất tương đối tốt, tại TP HCM là 48% và Hà Nội ở mức cao hơn, đạt 60%. Tuy nhiên, lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế cùng với mối lo ngại lây lan dịch bệnh của khách nội địa đã khiến cho công suất phòng đạt được trong ba tuần đầu tiên của tháng 3 giảm xuống đáng kể, đặc biệt tại những địa điểm du lịch.
Hoạt động kinh doanh khách sạn sẽ sớm hồi phục trở lại.
“Công suất phòng tại Hà Nội dự kiến sẽ cao hơn một chút nhờ vào các hợp đồng từ các doanh nghiệp lớn như Samsung giúp cho một số Khách sạn hưởng lợi từ nguồn khách lưu trú ổn định. Đáng chú ý là tính đến ngày 21/3/2020, đã có 145 dự án khách sạn & khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã tự nguyện đăng ký trở thành điểm cách ly. Điều này không chỉ giúp cho các Khách sạn có thể duy trì hoạt động khi nhu cầu lưu trú đang rất thấp mà đây còn được xem là sự hỗ trợ rất có ý nghĩa đối với chính quyền trong thời gian này” - ông Mauro Gasparotti nhìn nhận.
Trong khi đó, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyên Văn Đính cho rằng, tuy là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19, nhưng phân khúc BĐS du lịch, lưu trú có khả năng phục hồi nhanh nhất.
“Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, việc giảm lượng khách dự báo chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không phải là vấn đề làm suy yếu thị trường. Khi dịch được khống chế thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục và đây vẫn là một kênh đầu tư đầy tiềm năng” – ông Đính nhận định.

"Với diễn biến của tình hình dịch bệnh như hiện nay, thì dự kiến phải bước sang năm 2021 nền kinh tế mới phục hồi trở lại, thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tiếp đà phát triển. Nếu như chúng ta xây dựng được một cơ chế tốt, hạ tầng được đầu tư hợp lý thì cơ hội lớn sẽ mở ra cho nhà đầu tư" - GS. TSKH Đặng Hùng Võ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần