Công tác cán bộ của Hà Nội: Chủ động, bài bản

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “TP đã làm tốt nhiệm vụ này và T.Ư cũng muốn phân cấp cho Hà Nội chủ động, tự chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ”.

Đó là đánh giá của Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính về công tác cán bộ của Hà Nội thời gian qua.
Đánh giá thực chất hơn

Để làm được điều đó, công tác đánh giá cán bộ đã được chú trọng, theo hướng thực chất, có định lượng cụ thể. Như tại quận Long Biên, Bí thư Quận ủy Đỗ Mạnh Hải cho biết, Quận ủy đã đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ theo hàng tháng, quá trình thực hiện được bàn bạc, thảo luận công khai dân chủ từ cơ sở và thống nhất thực hiện trong cả hệ thống chính trị, với những tiêu chí, thang điểm hết sức cụ thể. Nhờ đó, tinh thần, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, công việc hiệu quả hơn rất nhiều, quận Long Biên luôn nằm trong tốp đầu TP về thu ngân sách, diện mạo đô thị ngày càng khang trang.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo TP trò chuyện với học viên một lớp Cao cấp lý luận chính trị, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội tháng 9/2017. Ảnh: Phạm Hùng

Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, để đổi mới công tác đánh giá, khắc phục tình trạng tự đánh giá cao, nể nang đánh giá không thực chất, quận Tây Hồ cũng đã xây dựng tiêu chí thang điểm cụ thể cho từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm cơ sở quan trọng để xem xét, đánh giá. Nhờ đó, chất lượng công việc, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên.

Không chỉ nâng cao công tác đánh giá cán bộ ngày càng thực chất; công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, tinh giản biên chế cũng được triển khai hiệu quả. Từ năm 2010 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã thực hiện luân chuyển hơn 150 lượt cán bộ. Thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, TP đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy giảm 280 trưởng, phó phòng, ban, cấp trưởng, phó Ban QLDA và quỹ; sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý tại 130 đơn vị trực thuộc sở. Điều quan trọng là sau sắp xếp, các cơ quan đều tạo sự ổn định, thống nhất, công việc hiệu quả.

Đi tìm cán bộ giỏi

Bên cạnh những kết quả đó, Thành ủy cũng thẳng thắn đánh giá, tính tiên phong, gương mẫu, ý thức, trách nhiệm phục vụ của một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức ý thức, phẩm chất, năng lực yếu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, có biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực gây khó khăn, bức xúc cho DN và công dân, thậm chí vi phạm kỷ luật phải xử lý. Cơ cấu đội ngũ cán bộ ở một số địa phương, đơn vị còn chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, còn tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”. Tiêu chí đánh giá cán bộ đã có đổi mới, nhưng vẫn còn chung chung và chưa gắn với chức danh; việc tổ chức đánh giá còn hình thức, kết quả đánh giá chưa phản ánh toàn diện kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chưa thực sự là cơ sở cho việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết T.Ư 3, Khóa VIII vừa qua, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung khắc phục những hạn chế trên. Muốn vậy, công tác này phải đảm bảo tính dân chủ, lắng nghe rộng rãi, phát huy trách nhiệm cá nhân, nhất là cá nhân người đứng đầu. Đề cao vai trò của cá nhân người đứng đầu nhưng phải đặt trong quan hệ với tập thể, bảo đảm dân chủ và thay đổi cách làm, cần “đi tìm cán bộ giỏi chứ không đợi người tài tự tìm đến”.

Bên cạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết T.Ư 6 Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh phải đổi mới hơn nữa các khâu trong đánh giá cán bộ. “Đây là khâu khó, cần căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn và phải có thông tin, nhưng trong quá trình đánh giá cán bộ, lại rất cần đến cái tâm, cái tầm của người đánh giá, phải thực sự công tâm, khách quan” - Bí thư Thành ủy nói và cho rằng đánh giá cán bộ phải nhìn từ nhiều góc độ, ở nhiều thời điểm, qua nhiều công việc thực tiễn, tính chất, hiệu quả của việc xem xét, giải quyết công việc, nhất là vào những thời điểm khó khăn, thách thức. Người cán bộ tốt phải là người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện nói đi đôi với làm. Đồng thời, các cấp ủy cần thực hiện nghiêm chế độ bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất, đạo đức, cán bộ không gương mẫu, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có như vậy, công tác cán bộ mới đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần