Công tác khuyến nông thúc đẩy ngành nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng cao

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, vượt khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, diễn biến thời tiết cực đoan, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng thành công nhiều mô hình khuyến nông có sức lan tỏa rộng, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng cao.

Ngày 12/1, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Trung tâm) tổ chức hội nghị Tổng kết công tác khuyến nông 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Năm 2020, Trung tâm triển khai thực hiện tổng số 22 dạng mô hình, trong đó gồm: 15 dạng mô hình trồng trọt, cơ giới hóa; 7 dạng mô hình chăn nuôi, thủy sản. Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, diễn biến thời tiết cực đoan, nhiều mô hình vẫn đạt hiệu quả, sức lan tỏa rộng, được nông dân hưởng ứng, đánh giá cao.

Mô hình Sản xuất hoa đồng tiền lùn trồng chậu trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ

Về trồng trọt, tiêu biểu có mô hình Sản xuất hoa đồng tiền lùn trồng chậu trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, quy mô 12.000 chậu, tại các huyện: Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn. Cây giống hoa đồng tiền lùn được gieo bằng hạt nhập khẩu từ Hà Lan, cây sinh trưởng phát triển tốt, đã nở hoa. Hiện, các hộ đang thu hoạch và bán đến Tết Nguyên đán 2021, giá bán từ 30.000 - 40.000đ/chậu.

Mô hình Thâm canh cây ăn quả theo hướng VietGAP, quy mô 11,5ha, tại các huyện: Sơn Tây, Ứng Hòa, Gia Lâm, Thạch Thất. Cả 11,5ha trong mô hình được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất theo VietGAP.

Về chăn nuôi, thủy sản, tiêu biểu có mô hình Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, quy mô 25 ha tại 9 huyện. Mô hình cho kết quả tốt, đàn cá chép sinh trưởng phát triển tốt, đạt trung bình 1,05 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%, cho năng suất trên 12 tấn/ha, lãi suất trên 90 triệu đồng/ha, cao hơn 10% so với phương pháp nuôi thông thường. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Mô hình Sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, quy mô 50.000 con, tại 5 huyện, thị xã: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sơn Tây. Đàn gà sinh trưởng nhanh, đồng đều, mã đẹp, tỷ lệ nuôi sống trung bình đạt cao 96,1%. Gà xuất bán đạt trọng lượng bình quân 2,2kg/con, cho lợi nhuận đạt 50 - 60 triệu đồng/1.000 con, cao hơn 15 - 20% so với phương pháp nuôi thông thường.

Mô hình Sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn tại huyện Quốc Oai cho hiệu quả cao

Bên cạnh đó, Trung tâm đã làm tốt công tác quản lý, sử dụng và bảo toàn quỹ khuyến nông, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn phát triển sản xuất của nông dân. Đối với các vùng sản xuất tập trung, nguồn vốn cho vay được giải ngân xuống tận cơ sở đảm bảo an toàn thuận lợi cho các hộ vay vốn.

Tổng nguồn kinh phí quỹ khuyến nông có số dư đến 31/12/2020 là 204,177 tỷ đồng, trong đó kinh phí quỹ khuyến nông nguồn phát triển sản xuất là 150,882 tỷ đồng, kinh phí quỹ khuyến nông nguồn phát triển cơ giới hóa là 53,295 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Trung tâm đã triển khai nhiều cuộc hội thảo liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP. Tại các cuộc hội thảo đã kết nối DN để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nhiều hợp tác xã, chủ trang trại.

Ngoài ra, Trung tâm tổ chức 7 Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông tại các huyện. Tại diễn đàn, nhiều câu hỏi của nông dân trên các lĩnh vực của nông nghiệp đã được trao đổi, thông tin, giải đáp.

 Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng trao thưởng cho cá nhân tiêu biểu

Năm 2021, Trung tâm tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của Chương trình Khuyến nông TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025, góp phần phát triển nông nghiệp Thủ dô theo hướng tập trung, tiến tiến, hiệu quả, bền vững; xây dựng nông thôn mới; từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hội nhập thế giới.

Xây dựng và mở rộng các mô hình áp ứng công nghệ cao, chế phẩm sinh học; các mô hình thực hành nông nghiệp tốt và cấp giấy chứng nhận VietGAP, chất lượng cao, bao đảm an toàn thực phẩm, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tập trung khảo sát nhu cầu vay vốn đối với các vùng sản cuất tập trung, vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất; tổ chức thẩm định và giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất của các hộ nông dân; Tập huấn cho nông dân tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học nâng cao trình độ tay nghề trong quản lý, sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất.

Tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến nông đảm bảo nắm rõ cơ chế, chính sách, pháp luật Nhà nước, cách thức quản lý và tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân.

Với những thành tích đã đạt được trong năm 2020, nhiều cá nhân, tập thể của Trung tâm đã vinh dự được Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tặng Bằng khen; Sở NN&PTNT Hà Nội tặng Giấy khen…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần