Công tố viên xin lệnh bắt lãnh đạo Samsung: Mối đe dọa cho nền kinh tế Hàn Quốc

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Nhóm công tố viên đặc biệt xin lệnh bắt giữ Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung, đang khiến giới DN lo ngại sẽ tác động tới nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

 Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong trả lời giới truyền thông trước khi bước vào phiên thẩm vấn của Nhóm công tố viên đặc biệt hôm 12/1.

“Sóng gió” của “ông lớn” ngành điện tử Hàn Quốc bắt đầu khi vụ bê bối tham nhũng liên quan đến bạn thân Tổng thống Park Geun-hye – hay còn gọi là Choigate vỡ lở. Các công tố viên đã bất ngờ đột kích văn phòng của tập đoàn Samsung và Quỹ Hưu trí Quốc gia (NPS), với cáo buộc Samsung đã ủng hộ hàng chục triệu USD cho bà Choi để đổi lấy việc NPS ủng hộ quyết định sáp nhập hai chi nhánh của tập đoàn này trong năm 2015. Điều đáng nói là, nửa tháng sau khi phủ nhận mọi cáo buộ trong phiên điều trân trước Quốc hội, Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung bất ngờ lật ngược lời khai và thừa nhận quyên tiền cho bà Choi theo yêu cầu của Tổng thống Park. Diễn biến này đã tạo bước ngoặt cho cuộc điều tra liên quan đến bê bối Choigate và khiến người thừa kế của tập đoàn Samsung bị cáo buộc khai man, cản trở tiến trình điều tra.

Nhóm công tố viên đặc biệt hôm 16/1 đã yêu cầu Tòa án Trung tâm quận Seoul thông qua lệnh bắt giữ “thái tử” Samsung với những cáo buộc tội hình sự, hối lộ, khai man. Tòa án Trung tâm quận Seoul tổ chức một phiên họp trong hôm nay để xem xét có phát lệnh bắt giữ đối với ông Lee Jae-yong.  Nếu tòa án thông qua lệnh bắt giữ ông Lee Jae-yong, điều này sẽ khiến giới DN lo ngại về những hậu quả “sâu sắc” đối với nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Samsung đã giảm 2,1% ngay sau thông tin về lệnh bắt. Trong khi đó, tính từ ngày 12/1, thời điểm có tin ông Lee bị tình nghi liên can đến vụ bê bối Choigate, cổ phiếu hãng này đã "bốc hơi" 5,5% giá trị. Với một quốc gia theo đuổi nền kinh tế mở với 30% lượng vốn hóa do các nhà đầu tư ngoại nắm giữ, bất kỳ diễn biến bất lợi nào liên quan đến cheabol - các trụ đỡ của nền kinh tế Hàn Quốc cũng gây thiệt hại lớn. 

Thông thường, các vụ bê bối liên quan tới các chaebol sẽ sớm bị dập tắt, song trong trường hợp của ông Lee Jae-yong thì lại hoàn toàn khác. Bởi, vụ việc của “thái tử” Samsung có liên hệ mật thiết tới Tổng thống đang bị “thất sủng”. Bên cạnh đó, việc Samsung dính bê bối chính trị cũng khiến các chaebol mất dần uy tín, điều này tạo ra sức ép lớn, khi giới đầu tư tỏ ra lo ngại và không tiếp tục “rót tiền”. Sau sự cố nổ pin của sản phẩm Samsung Galaxy Note 7 vừa qua, “ông lớn” ngành điện tử Hàn Quốc đã gặp phải nhiều khó khăn trong lấp lỗ hổng nhân sự. Việc, ông Lee nhiều khả năng bị bắt có thể khiến hoạt động kinh doanh của Samsung rơi vào thời kỳ “đóng băng” vì thiếu vắng “người cầm đầu”. Như vậy, nếu không sớm giải quyết tất cả những vấn đề trên, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục phải trải qua năm 2017 khó khăn bội phần.