Công trình siêu méo trên đường Đại La: Vì sao chưa xử lý?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, báo Kinh tế&Đô thị nhận được phản ánh của một số người dân ngõ 128C, đường Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng về việc sau GPMB tại khu vực ngõ 128C, đoạn giáp với phố Đại La xuất hiện một “lô cốt” có diện tích hơn 20m2 làm che khuất tầm nhìn, mất mỹ quan đô thị.

Công trình gây mất mỹ quan đô thị
Theo phản ánh của người dân, sau GPMB phục vụ xây dựng đường Vành đai 2, đoạn qua phố Đại La tại khu vực này xuất hiện một ngôi nhà 3 tầng nằm sát nút giao. “Ngôi nhà 3 tầng nghiêng vẹo và phần đất mới mua có chiều ngang dài khoảng 10m chạy dọc theo đường nhựa khu tập thể và bên kia là mặt đường Đại La. Chiều dọc ngôi nhà chỗ dài nhất khoảng 4,5m, chỗ ngắn nhất khoảng vài chục centimet… Sự tồn tại của ngôi nhà trên đã làm che khuất tầm nhìn, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực” – đại diện một số người dân chia sẻ với báo Kinh tế&Đô thị.
 Ngôi nhà được coi là lô cốt tồn tại trên phố Đại La. Ảnh: Công Trình
Cũng theo những người dân nơi đây, ngôi nhà này xây dựng trái phép trên khu đất lấn chiếm đường đi của khu tập thể. Do xác định đây là ngôi nhà xây trên đất lấn chiếm không ổn định, chủ nhà cũ khi tiến hành nâng cấp, cơi nới nhà từ cấp 4 thành nhà 4 tầng (hiện ngôi nhà chỉ còn 3 tầng) đã không quan tâm đến độ bền, kết cấu nhà. Một số người dân không khỏi lo lắng cho biết, ngôi nhà này có 4 mặt tiền, hiện tại chủ nhà đang dựng biển cho thuê quảng cáo. Nếu cho thuê được thì hàng loạt hệ lụy sẽ phát sinh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Do đó, kiến nghị các lực lượng chức năng xem xét giải tỏa ngôi nhà trên để đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự ATGT cho khu vực.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Kinh tế&Đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm Đinh Đức Hiếu cho biết, ngôi nhà mà người dân phản ánh thuộc sở hữu của ông Nguyễn Hoàng Anh và bà Dương Thị Phương Thùy. Ngôi nhà trên tồn tại sau GPMB thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy – Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng. Cũng theo ông Đinh Đức Hiếu, để thực hiện dự án đường Vành đai 2, quận Hai Bà Trưng đã tiến hành thu hồi 1,41/21,70m2 đất của gia đình ông Nguyễn Hoàng Anh và bà Dương Thị Phương Thùy, diện tích còn lại là 20,29m2 gia đình đang sử dụng nằm ngoài chỉ giới GPMB, thuộc diện được phép tồn tại theo quy định của TP Hà Nội.

Chính quyền sở tại bó tay?

Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm thông tin thêm, diện tích 1,41m2 đất thuộc diện thu hồi GPMB là phần diện tích xây dựng thêm liền kề phần diện tích chính. Cụ thể, năm 1982 ông Nguyễn Bùi Vợi đã được Văn phòng Đài Tiếng nói Việt Nam phân cho sử dụng theo Giấy xác nhận nguồn gốc nhà ở ngày 25/12/2007 (có xác nhận). Ngày 2/5/2007, ông Nguyễn Bùi Vợi chuyển nhượng cho ông Nguyễn Xuân Quý theo giấy viết tay. Tiếp đó, ngày 31/12/2007, ông Quý và vợ là Đàm Thị Vẻ đã chuyển nhượng nhà đất trên cho ông Nguyễn Hoàng Anh theo giấy viết tay. Trong suốt quá trình sử dụng nhà, đất không có tranh chấp khiếu kiện.

Theo ông Đinh Đức Hiếu, nếu nhìn qua nhiều người sẽ thắc mắc, đặt câu hỏi tại sao một công trình nhìn như một “lô cốt” lại có thể tồn tại trên tuyến đường đẹp, khang trang như vậy. Tuy nhiên, diện tích đất sau GPMB của gia đình ông Nguyễn Hoàng Anh và bà Đỗ Thị Phương Thùy lại hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành của TP Hà Nội.
Đề cập đến những kiến nghị của người dân liên quan đến việc giải tỏa ngôi nhà nói trên để trả lại phần đất cho khu tập thể, phần còn lại thu hồi làm vườn hoa hoặc công trình công cộng, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm Đinh Đức Hiếu cho biết, đây là việc nằm ngoài khả năng của UBND phường, cần có ý kiến, quyết định của UBND TP Hà Nội.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho biết, sau GPMB xuất hiện những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” là thực trạng đã và đang diễn ra tại nhiều tuyến đường của Thủ đô. Nguyên nhân xuất phát từ việc Nhà nước thiếu kinh phí, không đủ khả năng thu hồi hết phần đất còn lại của người dân. Trong khi đó, hộ phía trong không có nhu cầu hợp thửa, hợp khối hoặc nhà phía mặt đường đòi giá quá cao hộ phía trong không đủ khả năng kinh tế để mua lại… dẫn đến vẫn xuất hiện những ngôi nhà có hình thù kỳ quái. Đối với “lô cốt” trên đường Đại La mà phóng viên phản ánh, giới chuyên môn khẳng định, việc giải tỏa và thu hồi là cần thiết. Nếu muốn giải tỏa, thu hồi, Nhà nước phải có hỗ trợ về giá để người dân đồng thuận, tự nguyện bàn giao mặt bằng, trả lại cảnh quan đô thị.