Công trình Xanh: Doanh nghiệp vẫn lầm lũi vì quá khó khăn

Thương Huế (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, “phong trào” công trình Xanh ở Việt Nam đã bắt đầu phát triển từ hơn 10 năm qua. Thế nhưng đến nay vẫn chỉ đang ở giai đoạn 1, khái niệm về công trình Xanh vẫn chưa được hiểu đúng.

Với chủ đề “Đô thị Xanh & con người Xanh”, toạ đàm Cafe Xanh do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Capital House tổ chức, diễn ra chiều 9/11, đã mở ra những góc nhìn khá đa chiều về lĩnh vực này.
 Các chuyên gia bàn luận về công trình Xanh tại toạ đàm
Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến: Đô thị xanh gắn bó mật thiết với bất động sản
Thực tế cho thấy, đô thị Xanh có sự gắn bó mật thiết với bất động sản. Tất cả những công trình xây dựng trong đô thị, hạ tầng đô thị như điện, nước... đều là quản lý của bất động sản. Bản thân một DN phát triển công trình phải có sự liên kết nhiều công trình thành hệ thống: công trình xanh, hạ tầng xanh. Thế nhưng, ở Việt Nam, khái niệm về công trình Xanh vẫn còn mới và chưa được nhận thức đầy đủ về lợi ích. Việt Nam cũng chưa có nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ, còn hạn chế trong việc cung cấp sản phẩm vật liệu xanh, hệ thống công nghệ vận hành còn yếu. Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công trình Xanh của Việt Nam còn chưa đầy đủ; chưa có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thích đáng hoặc bắt buộc đối với việc phát triển công trình Xanh.
KTS. Nguyễn Hồng Thục: Truyền thông là yếu tố quan trọng đầu tiên cần được ưu tiên
Năm 1996 là dấu mốc đánh dấu Hà Nội xuất hiện khu đô thị mới đầu tiên. Thời kỳ đó người dân còn chê chung cư, đều tìm đến nhà thấp tầng, nhưng cũng kể từ năm 1996 đến nay, sau 22 năm đô thị hóa ở Việt Nam đi hết từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác. Người dân bắt đầu yêu thích ở chung cư, nhà cao tầng. Phong trào công trình Xanh tại Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng chục năm. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, công trình Xanh của chúng ta vẫn ở giai đoạn 1, không thể bắt kịp với tốc độ như vũ bão của đô thị hóa. Vì vậy, để phát triển công trình Xanh ở Việt Nam rất cần sự đồng thuận, chung tay của xã hội. Do đó, để lan toả trong cộng đồng về vai trò của công trình Xanh thì truyền thông là yếu tố quan trọng đầu tiên cần được ưu tiên.
Phó Tổng giám đốc Capital House Trần Như Trung: Một toà nhà chưa thể làm xanh cả TP
Chúng tôi mong muốn phát triển công trình xanh, mang đến lợi ích cho khách hàng của mình. Thế nhưng trong quá trình phát triển chúng tôi thấy mình lầm lũi vì quá khó khăn. Không chỉ chúng tôi mà nhiều công ty ở phía Nam cũng gặp phải tình huống tương tự. DN mong muốn làm công trình Xanh rộng rãi hơn nữa, bởi 1 tòa nhà chưa thể làm xanh cả TP, cũng như một cánh én chưa thể làm nên mùa xuân.
KTS. Phạm Thanh Tùng: Cần có người cầm trịch
Chúng ta đang đứng trước rất nhiều thuật ngữ, bắt đầu là công trình Xanh, kiến trúc xanh, đô thị bền vững, đô thị thông minh, đô thị 4.0... Do đó, để một công trình Xanh hiện diện cần có rất nhiều đơn vị cùng chung tay. Câu chuyện công trình xanh ở đây không chỉ là nhà đầu tư mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, nhà đầu tư khi bán không thể tính trước được người mua là ai, người dân tộc nào, công việc là gì?. Thế nên trong cùng một toà nhà thôi đã có rất nhiều sự va đập xã hội, va đập văn hóa. Do đó, công trình Xanh là câu chuyện của mọi người, là bài toán của xã hội… nhưng cần có người cầm trịch - là chính quyền đô thị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần