Cổng trường đổ sập khiến 3 học sinh tử nạn: Ai chịu trách nhiệm?

Kim Thỏa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh vụ tai nạn thương tâm khiến 3 học sinh tử vong do cổng trường đổ sập vào chiều 7/9 tại điểm trường Bản Phung, trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (Văn Bàn, Lào Cai), câu chuyện trách nhiệm tiếp tục được đặt ra với lãnh đạo nhà trường cũng như các bên liên quan.

Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn khiến 3 HS tại điểm trường Bản Phung tử nạn
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Thời gian qua, trên cả nước đã có các vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở nhà trường khiến cho một số em học sinh (HS) không may tử nạn.
Hồi tháng 10/2019, tại trường Tiểu học Tuy Lai (Mỹ Đức, Hà Nội) xảy ra vụ HS lớp 2 tử vong do bị điện giật. Cơ quan chức năng xác định, trong giờ ra chơi, em này ra bãi cỏ phía sau trường chơi thì giẫm phải đoạn dây điện bị đứt dẫn đến tử vong.
Sau đó khoảng 1 tháng, sự việc đau lòng tương tự cũng xảy ra tại trường Mầm non Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) khiến dư luận bàng hoàng khi một trẻ 3 tuổi bị kẹt đầu ở cầu trượt trong lúc ra chơi. Do không được người lớn phát hiện kịp thời, cháu đã không qua khỏi.
Mới đây nhất, vụ tai nạn hy hữu khi 1 bên cánh cổng và trụ cổng tại điểm trường Bản Phung, trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (Văn Bàn, Lào Cai) bất ngờ đổ sập vào chiều 7/9/2020 đã cướp đi sinh mạng của 3 HS khi nô đùa tại đó. Vụ tai nạn xảy ra ở thời điểm năm học 2020 -2021 vừa mới bắt đầu được 2 ngày. Sau tiếng đổ rầm của cánh cổng trường, 2 em HS tiểu học và 1 HS mầm non tại đây đã vĩnh viễn không thể tiếp tục được sáng sáng cùng bạn bè đến trường học, ai cũng đau xót.
Từ các vụ việc đáng tiếc nêu trên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, khi sự việc đã xảy ra tại nhà trường thì dù là trong hay ngoài giờ học, trách nhiệm trực tiếp vẫn là lãnh đạo mà cụ thể là hiệu trưởng nhà trường. Hiệu trưởng phải là người bao quát toàn bộ các mặt từ chuyên môn đến trường lớp. Phải phân công phân nhiệm rõ ràng cho các bộ phận. Nếu không may xảy ra sự cố gì, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm chính.
“HS đến trường học là quan trọng, nhưng đầu tiên phải an toàn. Trên cơ sở đó, lãnh đạo nhà trường cần có tổ chức quy trình kiểm tra về cơ sở vật chất như tường rào, trụ cổng, cổng trường, cây cối, đường điện, đèn chiếu... giao cho từng bộ phận phụ trách. Phải rõ ràng bảo vệ phải làm gì, lao công cần làm gì, kiểm tra những chỗ nào thường xuyên, nếu phát hiện có bất thường thì xử lý thế nào. Đồng thời, trẻ em thường hiếu động nên các nhà trường cũng cần giáo dục, nhắc nhở học sinh về an toàn khi chơi đùa” - TS Tùng Lâm nói.
Ai chịu trách nhiệm?
Liên quan đến vụ tai nạn ở trường Tiểu học Khánh Yên Thượng chiều 7/9 vừa qua, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc này cần làm rõ thời điểm tai nạn xảy ra có trong giờ học hay không, trách nhiệm trong việc trông nom, quản lý, giám sát các cháu thuộc về ai? Đồng thời làm rõ tình trạng của cánh cổng này trước khi đổ xuống có dấu vết, hư hỏng, có dấu hiệu của việc sắp gãy đổ hay không?
 Hiện tại, điểm trường Bản Phung có 29 HS tiểu học, 31 HS mầm non và 6 giáo viên
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người có trách nhiệm trông nom, quản lý các em phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn nơi đông người nhưng không thực hiện hết trách nhiệm của mình dẫn đến hậu quả tai nạn xảy ra, nhiều em thiệt mạng và bị thương thì có thể xem xét trách nhiệm pháp lý, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo Điều 128; tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo Điều 129; hoặc tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người theo Điều 295 Bộ Luật Hình sự... Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm để có quyết định đúng đắn nhất.
Dù kết quả giải quyết như thế nào, có ai bị chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không thì đây cũng là bài học cho các trường học, các cơ sở giáo dục đào tạo khi đầu năm học các cháu nhỏ đã gặp phải tai nạn thương tâm như thế này.
Cái cổng trường mà để HS đu lên cũng có thể đổ sập thì rất nguy hiểm, khi mà trong trường có chục đứa trẻ hiếu động. Bởi vậy chất lượng công trình cũng là một vấn đề cần làm rõ.
Trong quá trình xem xét giải quyết vụ việc, cơ quan chức năng cần xem xét công trình này được xây dựng từ bao giờ, nguồn vốn, kinh phí như thế nào, có thể kiểm tra lại quá trình xây dựng, nghiệm thu, đưa vào sử dụng công trình này để đánh giá về chất lượng công trình.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy việc xây dựng không đảm bảo chất lượng, có sai phạm, tiêu cực trong vấn đề xây dựng công trình thì cũng cần truy trách nhiệm của những người có liên quan theo quy định pháp luật.
Trong sáng 8/9, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT), Hiệu trưởng trường Tiểu học Khánh Yên Thượng Vũ Kim Phúc đã lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ tai nạn chiều qua, 7/9 khiến 3 HS tử vong.
Ông Phúc cho hay, cổng trường được xây dựng vào năm 2016, nhưng ông nhận nhiệm vụ tại đây từ năm 2017 nên không nắm rõ được kết cấu công trình hay giám sát được việc xây dựng.
Theo ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, nhà trường cần làm tốt công tác ổn định tâm lý cho giáo viên và HS. Nhà trường cần nhận trách nhiệm và tiến hành họp phụ huynh để đưa ra các biện pháp hỗ trợ HS, duy trì các hoạt động dạy và học. Ngành giáo dục Lào Cai cần quán triệt tới các cơ sở giáo dục phải kiện toàn đội ngũ bảo vệ, đảm bảo an toàn trường học, tránh xảy ra các sự việc đáng tiếc tương tự.