Qua mặt ngân hàng bằng "tiền ảo"

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với thủ đoạn tạo dựng nhiều hợp đồng khống và luân chuyển doanh số “ảo” lên đến hàng nghìn tỷ đồng, vợ chồng Nguyễn Quốc Đạt (SN 1976) và Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1977) đều trú ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã dễ dàng qua mặt được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Tây Hà Nội (BIDV Tây Hà Nội) và Chi nhánh Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tại Hà Nội, chiếm đoạt được hàng trăm tỷ đồng.

Hợp đồng khống, doanh số ảo
Sau nhiều lần hoãn tòa và trả hồ sơ để điều tra bổ sung, mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa vợ chồng bị cáo Nguyễn Quốc Đạt và Nguyễn Thị Hồng Nhung ra xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
3 bị cáo nguyên là cán bộ của Chi nhánh Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tại Hà Nội gồm: Dương Bá Hòa (SN 1961) – nguyên Giám đốc Chi nhánh, Nguyễn Việt (SN 1974) – nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp và Trần Văn Song (SN 1959) - Tổ trưởng Tổ giao nhận hàng cũng lần lượt bị đưa ra xét xử về hai tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình
Theo kết luận điều tra, ngày 16/8/2011, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội nhận được công văn của BIDV Tây Hà Nội tố cáo Nguyễn Thị Hồng Nhung - Giám đốc Công ty TNHH Lưỡng Thổ (Công ty Lưỡng Thổ) và Nguyễn Quốc Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Hồng Trang (Công ty Hồng Trang) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Đến ngày 19/8/2011, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) có công văn gửi Bộ Công an đề nghị hỗ trợ phong tỏa, quản lý tài sản đối với Công ty Hồng Trang do có dấu hiệu chiếm dụng vốn vay, cho vay bên ngoài với lãi suất cao và có hiện tượng tẩu tán tài sản. Tiếp đó, ngày 1/9/2011, Chi nhánh Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tại Hà Nội cũng có công văn đề nghị Cơ quan điều tra thu hồi giúp 77,4 tỷ đồng do Công ty Lưỡng Thổ nợ tiền mua thép.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 26/9/2011, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can và áp dụng biện pháp tạm giam đối với vợ chồng Đạt để tiến hành điều tra. Quá trình điều tra đã xác định, năm 2003, Đạt thành lập Công ty Hồng Trang và giữ chức Giám đốc, còn Nhung đảm nhiệm vai trò Kế toán trưởng. Khoảng 5 năm sau, Nhung đứng tên thành lập thêm Công ty Lưỡng Thổ và kinh doanh chủ yếu các mặt hàng thép.

Tuy nhiên, việc thành lập 2 công ty nêu trên của vợ chồng Đạt thực chất chỉ để ký các hợp đồng mua bán thép giữa hai DN và luân chuyển tiền qua lại với doanh số “ảo” nhằm tạo ra dòng tiền lớn qua tài khoản được cặp vợ chồng này mở tại BIDV Tây Hà Nội. Theo đó, vào năm 2009, Công ty Hồng Trang chỉ có doanh thu 200 tỷ đồng nhưng chỉ một năm sau đã tăng lên tới 1.600 tỷ đồng. Với việc tạo ra doanh số “ảo” như trên, Công ty Hồng Trang đã được Hội đồng tín dụng ngân hàng phê duyệt xếp hạng AA để được hưởng chính sách ưu tiên khi ký các hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng.

Tiếp đó, lợi dụng việc các cán bộ ngân hàng sơ hở trong quá trình lập hồ sơ tín dụng, thẩm định tài sản bảo đảm tín dụng…, vợ chồng Đạt đã thông qua hợp đồng mua bán thép với Chi nhánh Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tại Hà Nội, các thư bảo lãnh thanh toán và các hợp đồng tín dụng của BIDV Tây Hà Nội, VCB đã mua rồi nhận đủ 32.984 tấn thép. Sau đó, vợ chồng Đạt nhanh chóng bán hết hàng rồi thu tiền về nhưng lại không trả tiền mua hàng hóa. Với thủ đoạn trên, cặp vợ chồng “đại gia” này đã chiếm đoạt gần 211 tỷ đồng tiền thép của Chi nhánh Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tại Hà Nội.

Tại phiên tòa, bị cáo Đạt cùng vợ thừa nhận hành vi phạm tội gây ra. Về số tiền xấp xỉ cả trăm tỷ đồng chiếm đoạt, vợ chồng giám đốc DN khai đã dùng một phần để thanh toán nợ gốc, lãi cho ngân hàng và chi trả lương nhân viên. Ngoài ra, các bị cáo còn dùng để trả nợ nhiều người nhưng không nhớ rõ đã trả tiền cho những ai và với số tiền là bao nhiêu.

Cùng nhau lĩnh án tù

Sau 6 ngày mở tòa, HĐXX nhận định, bị cáo Nguyễn Quốc Đạt đã chiếm đoạt số tiền 99 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa, phía ngân hàng thừa nhận bị cáo sử dụng số tiền trên thanh toán cho các nhà thầu và đầu tư vào Nhà máy gạch Hồng Trang (ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) với định giá là 103 tỷ đồng. Ngoài ra, các hợp đồng tín dụng, bảo lãnh đều có tài sản đảm bảo và bị cáo không có thủ đoạn gian dối từ ban đầu. Như vậy, có đủ căn cứ xác định các bị cáo có hành vi sử dụng trái phép tài sản.

Trên cơ sở đó, sau khi nghị án, HĐXX đã quyết định chuyển tội danh cho hai bị cáo Nguyễn Quốc Đạt và Nguyễn Thị Hồng Nhung từ “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” sang “Sử dụng trái phép tài sản”. Với tội danh này, Nguyễn Quốc Đạt bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù và Nguyễn Thị Hồng Nhung 4 năm 1 tháng 7 ngày tù (Nhung đã chấp hành xong hình phạt tù).

Đối với 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tại Hà Nội, HĐXX tuyên phạt Trần Văn Song 42 tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng hai bị cáo Dương Bá Hòa và Nguyễn Việt cùng lĩnh 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về giấy tờ Nhà máy gạch Hồng Trang đang được ngân hàng thu giữ, bị cáo Đạt có yêu cầu lấy lại. Do đó, HĐXX tuyên buộc giải quyết bằng vụ án dân sự. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Đạt phải có trách nhiệm trả ngân hàng số tiền gần 100 tỷ đồng. Đối với vấn đề này, bị cáo Đạt đã đồng ý để ngân hàng phát mại các tài sản đảm bảo để khấu trừ tiền vay.
Trước đó, theo cáo trạng truy tố năm 2014, còn 4 cán bộ ngân hàng có hành vi vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng. Kết quả điều tra bổ sung xác định, các cán bộ ngân hàng này đã thiếu kiểm tra và giám sát vốn vay gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với hợp đồng tín dụng do Công ty Hồng Trang có tài sản thế chấp được định giá 62,5 tỷ đồng nên có căn cứ xác định hậu quả sẽ được khắc phục.