Sau hai tuần đàm phán marathon, hội nghị lần thứ 24 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) tại Ba Lan đã đi đến hồi kết với việc thông qua một cuốn sách với những quy định chuẩn để thực thi Thỏa thuận Paris 2015 nhằm đưa nhiệt độ trái đất không tăng thêm quá 2 độ C và thậm chí ở mức 1,5 độ C.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các quy định mới đạt được không đủ tham vọng để ngăn chặn tác động nguy hiểm của sự nóng lên toàn cầu.
“Thật không dễ dàng để đạt tiếng nói chung về một thỏa thuận cụ thể và kỹ thuật như vậy", Chủ tịch hội nghị, Thứ trưởng Bộ môi trường Ba Lan Michal Kurtyka nói.
Hội nghị COP 24 tại Ba Lan đã đạt đồng thuận giữa gần 200 quốc gia để tiến tới thúc đẩy Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. |
Trước khi các đàm phán bắt đầu, nhiều dự đoán cho rằng các cam kết tại Hội nghị năm nay, dù đạt được cũng không đủ mạnh mẽ. Sự đoàn kết nhất trí giữa gần 200 quốc gia - vốn là nền tảng cho Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 đã gặp sức ép sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ rút quốc gia này- một trong những nước phát thải lớn nhất thế giới ra khỏi thỏa thuận.
Vào giờ đàm phán thứ 11, các bộ trưởng đã phá được thế bế tắc giữa Brazil và các quốc gia khác về các điều luật kế toán để giám sát mức tín dụng carbon.
Kết quả là, các bộ trưởng đã chật vật để đi tới bộ sách quy tắc dài 156 trang, được chia thành các chủ đề tùy theo nội dung từng quốc gia cam kết sẽ báo cáo và giám sát, nhằm hạn chế khí thải nhà kính và phát thải.
Có vẻ không phải tất cả các quốc gia đều hài lòng,nhưng ít ra đã có tiến triển và nền tảng để tiến bước, một số bộ trưởng tiết lộ với Reuters.
“Dù cuốn sách này vẫn còn thiếu sót, đây là nền tảng để củng cố Thỏa thuận Paris và có thể tạo điều kiện cho Mỹ tái tham gia Thỏa thuận Paris bởi một chính quyền tổng thống tương lai”, chuyên gia Alden Meyer thuộc Liên đoàn các nhà khoa học cho biết.
Một số quốc gia và các nhóm vì môi trường chỉ trích kết quả của các điều khoản cam kết mà theo họ là không đủ mạnh để ngăn chặn sự ấm lên ngày càng thấy rõ của trái đất cũng như những tác động mà nó mang lại cho thiên nhiên và con người.
Trước đó đã xuất hiện nhiều tranh cãi giữa các nước tham dự hội nghị về cách tính lượng khí thải, tính minh bạch trong việc báo cáo, cam kết hỗ trợ tài chính cho những nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, hay sự không công nhận của một số nước đối với báo cáo mới của Liên Hợp Quốc cảnh báo về hậu quả của biến đổi khí hậu (IPCC).
Họ cho rằng việc thỏa thuận cuối cùng sử dụng cụm từ các bên hoan nghênh sự hoàn tất kịp thời của IPCC không phản ánh đúng thực chất của vấn đề mà họ đang cảnh báo.
Trong khi đó, các quốc gia nghèo dễ tổn thương bởi biến đổi khí hậu vẫn kỳ vọng hiểu rõ hơn về cách thức triển khai khoản tài trợ 100 tỷ USD/năm dành cho vì nỗ lực chống biến đổi khí hậu cho tới năm 2020. Đối với nhiều quốc gia và quốc đảo có vị trí địa lý thấp, gặp rủi ro từ mực nước biển dâng cao thì các cam kết đồng thuận này không đủ mạnh mẽ nhưng họ chấp nhận một cách miễn cưỡng để đổi lấy điều khác.