Xây dựng Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau xứng tầm quốc gia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên đây là ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại buổi kiểm tra, khảo sát thực địa vị trí xây dựng Cột cờ Hà Nội trên đất mũi Cà Mau chiều 23/11.

Phải đảm bảo sự hài hòa về kiến trúc

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, ý tưởng về việc xây dựng một công trình kỷ niệm của Hà Nội trên vùng đất cực Nam của Tổ quốc đã có từ lâu. Trong đó, TP Hà Nội đã có những chương trình dự kiến và được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô cũng như các cấp ngành Trung ương hết sức ủng hộ. Ý tưởng đó cũng đồng thời phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và chủ trương của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Cà Mau.

Qua đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, việc xây dựng Cột cờ Hà Nội trên đất mũi Cà Mau phải thể hiện đầy đủ sự bề thế, xứng tầm biểu tượng quốc gia, nhưng cũng phải đảm bảo sự hài hòa về không gian kiến trúc và cảnh quan môi trường xung quanh.
Xây dựng Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau xứng tầm quốc gia - Ảnh 1
Phối cảnh Cột cờ Hà Nội trên đất mũi Cà Mau.
“Hình ảnh đặc trưng của vùng đất mũi là cây đước. Nhưng không được để cây đước che lấp tầm vóc của Cột cờ Hà Nội. Ngược lại, không được để Cột cờ Hà Nội lấn át sự sinh sôi của cây đước. Tóm lại, phải đảm bảo sự hài hòa giữa kiến trúc công trình và cảnh quan không gian đặc trưng tại khu vực”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh.

Tại buổi thảo luận sau khảo sát thực địa, ông Đỗ Khắc Thắng – Giám đốc Công ty CP Tư vấn Tây Hồ - Đơn vị tư vấn kiến trúc cho biết, bản mô phỏng Cột cờ Hà Nội sẽ được xây dựng trên quy mô diện tích hơn 3ha, gồm ba tầng đế và một thân cột, các tầng đế được thiết kế theo hình chóp vương cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Trong đó, tầng 1 có chiều dài cạnh khoảng 50 mét, cao 3,9m có 2 thang gạch dẫn lên. Tầng 2 có chiều dài mỗi cạnh khoảng 32m, cao 4,8m, bao gồm 4 cửa vào.
 Tầng 3 của bản mô phỏng Cột cờ Hà Nội có chiều dài mỗi cạnh 12,8m, cao 5,1m có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc. Trên tầng này là thân cột cờ, cao 18,2m hình trụ 8 cạnh, thon dần lên, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh.
“Toàn thể Cột cờ Hà Nội sẽ được soi sáng bằng 39 lỗ hình rẻ quạt. Đỉnh cột cờ được cấu trúc thành một lầu hình bát giác, cao 3,3m có 8 cửa sổ tương ứng với 8 cạnh. Giữa lầu là hình trụ tròn, đường kính 40cm cao đến đỉnh lầu, là vị trí để cắm cờ. Như vậy, theo phương án kiến trúc được thảo luận trước khi thông qua, toàn bộ bản mô phỏng Cột cờ Hà Nội sẽ cao khoảng cao 33,4m, nếu kể cả cán cờ sẽ có chiều cao khoảng 45m…”, ông Thắng cho biết.
Biểu tượng văn hóa trên đất Mũi Cà Mau

Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Nguyễn Tiến Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trên thực tế, tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch xây dựng Đài biểu tượng Mũi Cà Mau, trên cơ sở đồ án quy hoạch Công viên văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau đã được phê duyệt từ trước đó.
Xây dựng Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau xứng tầm quốc gia - Ảnh 2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đi khảo sát xây dựng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.
 
Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với ý tưởng xây dựng bản mô phỏng Cột cờ Hà Nội trên đất Mũi Cà Mau, Đảng ủy, HĐND, UBND và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Cà Mau đã rất đồng tình, ủng hộ. Bởi việc xây dựng Cột cờ Hà Nội trên đất mũi Cà Mau không chỉ thể hiện sự gắn kết máu thịt giữa Thủ đô Hà Nội – Trái tim của cả nước với Cà Mau mà còn mang giá trị văn hóa, lịch sử tầm vóc quốc gia trên vùng đất cực Nam của Tổ quốc.
“Khi tiếp xúc với phương án kiến trúc xây dựng Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau, lãnh đạo và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Cà Mau rất phấn chấn, vì cơ bản, phương án kiến trúc Cột cờ Hà Nội trên đất mũi Cà Mau đã có sự tương thông về ý tưởng cũng như thực tế phương án kiến trúc Đài biểu tượng Cà Mau đã được xây dựng từ trước đó”, ông Hải cho biết.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn kiến trúc, tư vấn thiết kế, tính toán cẩn thận các phương án xây dựng Cột cờ Hà Nội, đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra.

Ngoài ra, sau khi kiểm tra khảo sát thực địa, đối chiếu, xem xét các phương án kiến trúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lưu ý đơn vị tư vấn cần hết sức lưu ý vấn đề địa chất, địa tầng, đảm bảo quy mô, tầm vóc cũng như sự an toàn, bền vững của công trình.

Theo kế hoạch, Cột cờ Hà Nội trên đất mũi Cà Mau sẽ được tiến hành khởi công xây dựng trước tháng 1/2016.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần