Đàm phán thương mại Mỹ-Trung còn "tắc" ở khâu nào?

Tú Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Donald Trump vừa tuyên bố có thể đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong 4 tuần tới.

Quy trình phê duyệt kéo dài của Trung Quốc đối với cây trồng biến đổi gen vẫn là một "điểm nóng" trong các cuộc đàm phán chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho biết.

Bắc Kinh đã mất nhiều năm cho quá trình thông duyệt việc nhập khẩu các giống cây trồng biến đổi gen mới, mà các công ty và nông dân Mỹ phàn nàn rằng việc này làm chậm quá trình xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực này như DowDuPont Inc, Bayer AG và Syngenta AG.

 Ảnh minh họa. 

Đây là một trong những khúc mắc then chốt mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang yêu cầu Trung Quốc giải quyết nếu muốn chấm dứt các tranh chấp thương mại gây thiệt hại cho cả hai quốc gia hàng tỷ USD và ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu thời gian qua.

Tổng thống Trump hôm 4/4 cho biết hai bên đang tiến rất gần đến một thỏa thuận có thể được công bố trong khoảng 4 tuần tới.

Cây trồng biến đổi gen và quá trình thông qua vẫn là một vấn đề lớn của Mỹ trong đàm phán cũng như là nguồn cơn căng thẳng giữa hai nước trong nhiều năm.

Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất của Mỹ, phần lớn trong số đó là biến đổi gen. Nếu Bắc Kinh không chấp thuận các chủng mới, thì nông dân Mỹ không thể trồng vì Trung Quốc có thể từ chối các lô hàng bao gồm chủng mới.

Bên cạnh đó, các công ty hạt giống không thể triển khai phân phối các chủng mới mà thiếu sự chấp thuận đó. Hai bên đã đạt một số tiến bộ về vấn đề này vào tháng 1, khi Trung Quốc thông qua việc nhập khẩu một số ít cây trồng biến đổi gen. Tuy nhiên, động thái này không giải quyết được mối quan tâm cốt lõi của Mỹ về sự chậm trễ trong quá trình này.

Bắc Kinh nhập khẩu đậu nành và ngô biến đổi gen để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, nhưng không cho phép trồng các loại này.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc chiếm 60% lượng đậu nành xuất khẩu từ Mỹ, trị giá khoảng 12 tỷ USD.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần