Cốt lõi nằm ở văn hóa

Bảo Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bình quân mỗi ngày ở Việt Nam có hàng chục người bước ra khỏi nhà, nhưng không bao giờ quay trở về. Kéo theo đó là nhiều gia đình khác khốn khó, kiệt quệ vì tai nạn giao thông. Con số này đang là nỗi đau, nỗi bức bối của toàn xã hội. Ít thấy ở đâu cả xã hội vào cuộc vì an toàn giao thông như ở Việt Nam, song tai nạn giao thông vẫn cứ rình rập hằng ngày.

 Sự việc tài xế ô tô không nhường đường cho xe cứu hỏa gây bức xúc dư luận thời gian qua
Sáng nào cũng vậy, chương trình An toàn giao thông trên VTV1 đều đặn mang tới cho khán giả xem truyền hình cả nước những hình ảnh "chướng tai gai mắt" của việc coi thường pháp luật, những cảnh tượng mà người ta đang đánh đu với chính mạng sống của mình lẫn người tham gia giao thông. Mà lạ là người trẻ có, già có, trai có, gái cũng có. Mới đây cư dân mạng còn bất bình trước hành vi của một tài xế không nhường đường cho xe cứu hỏa trong lúc làm nhiệm vụ, với lý do "lãng xẹt": Không nghe thấy tín hiệu xin vượt. 
Đã có nhiều cuộc ra quân rầm rộ, không ít hiến kế, đề xuất các giải pháp quyết liệt để xử lý vi phạm giao thông cũng như giảm tối đa tai nạn giao thông, từ tăng cường tuần tra xử lý, đến tăng mức phạt đối với lỗi vi phạm an toàn giao thông. Nhưng xem ra hiệu quả vẫn chưa như mong muốn, và tai nạn giao thông thì thực sự đang là quốc nạn. Nhiều người đổ tại cơ sở hạ tầng giao thông thấp kém, phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn (quá hạn, quá cũ, xe tự tạo)… Song theo các chuyên gia, vi phạm giao thông chủ yếu là do chính ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông đang ở mức báo động.
Có nghiên cứu cho thấy trên 90% số vụ tai nạn giao thông là do ý thức kém của người tham gia giao thông. Đây cũng là nguyên nhân cốt lõi, chủ yếu dẫn đến số nạn nhân của tai nạn giao thông ở Việt Nam hằng năm lên đến hàng chục nghìn người và được ví như số thương vong của một cuộc chiến tranh qui mô nhỏ.

Việc xây dựng văn hóa giao thông được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Bởi nó là tập hợp những hành vi ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để hình thành thói quen chấp hành pháp luật và tiến tới là xây dựng văn hóa giao thông thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và sự ủng hộ của xã hội với bước đi phù hợp, có lộ trình.

Chỉ khi ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông trở thành thói quen, là văn hóa của mỗi người tham gia giao thông thì xã hội mới đạt tới cái đích của sự bình yên, hạnh phúc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần