Covid-19 đang thay đổi thói quen tiêu dùng

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù dịch Covid-19 đã khiến sức tiêu thụ nhiều mặt hàng giảm sút, tuy nhiên thương mại điện tử (TMĐT) lại phát triển mạnh mẽ. Đi cùng với đó là một số ngành hàng cũng “tăng tốc” tiêu thụ.

Người tiêu dùng mua hàng qua Lazada Việt Nam. Ảnh: Hải Linh
Bắt nhịp xu hướng tiêu dùng mới
Trong dịch Covid-19, người tiêu dùng (NTD) đã thay đổi hành vi mua sắm theo hướng giảm mua sản phẩm thời trang, mặt hàng mang tính giải trí, đồ uống có cồn... thay vào đó tăng mua sản phẩm chăm sóc cá nhân, nhu yếu phẩm, đồ gia dụng, hàng công nghệ... Ghi nhận từ một số sàn TMĐT cho thấy, trong tháng 2 và 3 nhu cầu mua sắm đồ hộp, thực phẩm đóng gói, khẩu trang, chai xịt khử khuẩn… tăng từ 60 -160%. Cụ thể, tại sàn TMĐT Lazada Việt Nam lượng tiêu thụ ngành hàng chai xịt phòng, chai khử khuẩn tăng 160%, ngành hàng tã giấy và giấy tăng hơn 60%, đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%…
Giám đốc bộ phận Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng của Nielsen - Mohit Agrawal chia sẻ: "NTD lo lắng đến sức khỏe bối cảnh số ca lây nhiễm Covid-19 ngày càng tăng và học sinh nghỉ học kéo dài. Đây là lý do khiến sức tiêu thụ mặt hàng “ăn liền” tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể mì ăn liền tăng 67%, thực phẩm đông lạnh tăng 40% và xúc xích tiệt trùng tăng 19%. Nhóm hàng sản phẩm bổ sung dưỡng chất như sữa bột, sữa chua uống giúp nâng cao hệ miễn dịch dành cho người già và trẻ em được NTD ưu tiên hướng đến”.
Đáng chú ý, những mặt hàng điện tử có giá trị lớn cũng được tiêu thụ mạnh trong dịp này. Riêng ngành hàng điện thoại và máy tính bảng dẫn đầu top 5 sản phẩm bán chạy nhất. Nguyên nhân được cho là do người dùng có nhu cầu gia tăng kết nối khi làm việc tại nhà trong mùa dịch.
Từ trực tiếp sang online
Đánh giá của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, trong tháng 3 do dịch Covid-19, doanh thu từ TMĐT tăng từ 20 - 30%. Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Kênh mua sắm thông qua TMĐT, website đã tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn với hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày. Ước tính đơn hàng giao dịch thông qua TMĐT tăng gấp 10 lần so với ngày thường. Tương tự, từ đầu tháng 2 đến nay tại sàn TMĐT Tiki các đơn hàng đã tăng trưởng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí....
Phân tích về sự chuyển đổi thói quen mua sắm trực tiếp sang online trong dịch Covid-19, Cục trưởng Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải chia sẻ: Song hành với tăng trưởng đột biến về nhu cầu, các nhà bán lẻ dần chuyển dịch từ kinh doanh trực tiếp sang trực tuyến online. Đồng tình với phân tích này, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng cho rằng: Từ giữa tháng 2 đến nay nền tảng mua sắm trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu, điều này cho thấy NTD đã hình thành thói quen mua sắm online thường xuyên hơn không chỉ đối với những người sử dụng hình thức này trong nhiều năm qua mà cả với những người lần đầu trải nghiệm.
Từ thực tế này ông Nguyễn Huy Hoàng dự báo: “Các kênh mới nổi sẽ ngày càng phổ biến trong thời gian hậu dịch, bao gồm các siêu thị mini”. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi các nhà cung cấp thông qua TMĐT cần tiếp tục hoàn thiện chất lượng, dịch vụ để đáp ứng các yêu cầu của NTD.
Nhằm phát triển TMĐT hậu dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng TMĐT", nhằm thúc đẩy kết nối giữa sản xuất với phân phối. Đồng thời đẩy mạnh kết nối với các tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới để DN, người tiêu dùng tiếp cận với TMĐT.

Năm 2020 có thể sẽ là cột mốc quan trọng cho sự phát triển hơn nữa của TMĐT. Thị phần TMĐT được kỳ vọng sẽ tăng lên đáng kể do tính tiện lợi và việc ít tương tác trực tiếp khi mua hàng, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu hiện nay của người tiêu dùng Việt trong thời gian dịch bệnh.

Giám đốc thương mại Công ty Kantar Worldpanel, Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng