Covid-19 khiến Đức thay đổi quan điểm về EU

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Covid-19, chứ không phải Brexit, làn sóng nhập cư, khủng hoảng nợ Hy Lạp, hay xu hướng dân tuý, khiến nước Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel thay đổi quan điểm cứng rắn về hợp tác trong EU.

Bất chấp những ảnh hưởng không nhỏ đối với uy tín chính trị trong nước và nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái, bà Merkel, cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã đề xuất gói vay lên tới 545 tỷ USD từ quỹ ứng phó của EU, nhằm hỗ trợ những quốc gia trong khối bị tác động nặng nề nhất do đại dịch.
Dù đây vẫn là ý tưởng trên giấy cho tới cuộc họp của Ủy ban châu Âu vào ngày 27/5, Jean Pisani-Ferry, cựu cố vấn Chính phủ Pháp, cho rằng đề xuất trên cho thấy sự thay đổi của Đức về 2 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, là việc chuyển nguồn kinh phí từ các nước giàu phương bắc tới những nước Đông Âu khó khăn hơn ở phương nam, và hai là cả khối châu Âu sẽ phải cùng chia sẻ gánh nặng chi trả khoản vay.
Điều này có thể khiến nhiều người Đức không mấy hài lòng, nhưng cho thấy một thực tế, bà Merkel, sau gần 4 nhiệm kỳ trên cương vị Thủ tướng, đã đặt lợi ích của 27 quốc gia thành viên lên trên các ưu tiên đối nội.
Bên cạnh đó, trong khi Covid-19 đang tác động nghiêm trọng tới kinh tế châu Âu, bà Merkel và ông Macron, 2 nhà lãnh đạo thường xung khắc trong nhiều năm qua, có vẻ như đã chung tay “vực dậy” mối liên minh Đức – Pháp vì một mục tiêu chung. Sau khi Anh rời EU, Đức và Pháp, 2 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khối, sẽ có cơ hội để nhìn lại và tìm tiếng nói chung. Và khi họ thống nhất, đây sẽ là xung lực để kéo cả khối tiến lên phía trước
. “Cuộc khủng hoảng này nhắc chúng ta về câu chuyện lãnh đạo, cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ Đức – Pháp, và tương lai EU sẽ khó khăn thế nào nếu thiếu nó”, Viện trưởng Viện Quốc gia Italy về Nghiên cứu Quốc tế Nathalie Tocci nhận định.
Dẫu cho vẫn còn những chia rẽ trong EU, mà chủ yếu là về vấn đề “làm ít nhưng hưởng nhiều” ở các nước phương nam, cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy thương mại nội khối là cứu cánh cho các nền kinh tế.
Ở thời điểm này, kể cả những nước giàu có cũng khó có thể vượt qua khó khăn mà không có nguồn lao động và thị trường ở các nước phương nam. “Sự sụp đổ của châu Âu với Đức sẽ là đòn trí mạng”, cựu nghị sĩ EU Daniel Cohn-Bendit nhận định. Vì thế, việc nước Đức dưới thời bà Merkel thay đổi quan điểm cứng rắn về hợp tác trong EU cũng là dễ hiểu.