Covid-19 tái bùng phát: Đòn mạnh giáng xuống hàng không

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua nhiều “đợt sóng” tàn phá của dịch bệnh khiến nhiều hãng hàng không có sự thay đổi đáng kể về chiến lược. Chỉ có điều, chiến lược này có thể là “con dao hai lưỡi”.

Sân bay vắng vẻ bất ngờ
Trong hầu hết những lần Covid-19 tái bùng phát ở nước ta đều diễn ra vào đúng thời điểm các hãng hàng không đang trên đà phục hồi sau khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát. Điều này càng khiến cho các hãng hàng không khốn đốn bởi hàng loạt kế hoạch tăng chuyến, tăng ghế, mở thêm đường bay nội địa bị phá sản. Gần đây nhất, đợt bùng phát thứ 4 của dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngay sát thời điểm kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Tác động của lần bùng phát này đến gần như ngay lập tức.
 Hành khách lên máy bay tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng
Thống kê từ Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Nội Bài cho thấy, lượng khách qua sân bay này đã sụt giảm một cách thê thảm ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ. Cụ thể, tính trung bình trong 6 ngày sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ, sản lượng bay nội địa tại Cảng HKQT Nội Bài chỉ duy trì trung bình mỗi ngày khoảng 210 lượt chuyến với khoảng 22.000 lượt khách. Trong đó, riêng ngày 8/5, sân bay Nội Bài chỉ có 160 lượt chuyến bay cất/hạ cánh với gần 17.000 lượt khách. Còn trong ngày 9/5, sân bay này chỉ đón gần 22.000 lượt khách.
So với con số trung bình khoảng 420 lượt chuyến/ngày và gần 64.000 khách/ngày trong cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có thể thấy lượng hành khách qua sân bay Nội Bài đã sụt giảm rất mạnh. Thậm chí, sau kỳ nghỉ lễ, lượng khách chỉ bằng phân nửa ngày thường mà sân bay Nội Bài đón trong những ngày thường trước đó (khoảng 50.000 lượt khách/ngày).

Tương tự, tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất những ngày qua cũng vắng vẻ một cách không ngờ. Không còn những hình ảnh đông đúc, hành khách “rồng rắn lên mây” và các chuyến bay tăng vọt như dịp lễ 30/4 - 1/5 mà thay vào đó là cảnh vắng vẻ từ khu vực làm thủ tục đến soi chiếu an ninh. Các khu vực quầy check-in của các hãng bay đã không có nhiều người thực hiện làm thủ tục do một số bộ phận hành khách đã thực hiện check-in trực tuyến và khai báo y tế từ khi ở nhà. Trong khi đó, khu vực cổng kiểm tra an ninh gần như không phải chờ xếp hàng vì chỉ có khoảng 10 - 20 hành khách mỗi lượt.
Theo ước tính, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất những ngày này đã vắng hơn từ 20 - 30 lần so với cao điểm nghỉ lễ trước đó. Nguyên nhân chính vẫn là sự tái bùng phát của dịch bệnh Covid-19.

Động thái mới

Tính từ khi Covid-19 xuất hiện thì đây là đợt bùng phát thứ 4 của dịch bệnh này tại Việt Nam. Tác động của dịch bệnh đến ngành hàng không là không thể bàn cãi dù chưa có hãng bay nào đưa ra con số thiệt hại cụ thể. Tuy nhiên, so với 3 đợt bùng phát trước đó, cách phản ứng của các hãng hàng không với dịch bệnh tại đợt bùng phát mới nhất này đã có sự thay đổi đáng kể. Đó chính là việc các hãng hàng không đồng loạt tăng phí ngay giữa thời điểm dịch bệnh đang bùng phát.
Cụ thể, Vietnam Airlrines, Pacific Airlines, Vasco và Bamboo Airway đã quyết định tăng phí quản trị hệ thống từ ngày 9/5. Trong đó, Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco tăng phí hệ thống lên từ 350.000 - 450.000 đồng/chặng (đã bao gồm VAT), tương đương với mức tăng 100.000 đồng/chặng so với tháng 4/2021. Mức phí này sẽ áp dụng đối với tất cả nhóm giá vé và tất cả chuyến bay nội địa đang khai thác.

Bamboo Airways thì áp dụng phí từ 370.000 đồng lên 460.000 đồng, tăng 90.000 đồng/chặng; đối với khách lẻ tăng 90.000 đồng/chặng, từ mức 320.000 lên 410.000 đồng. Các hãng hàng không lý giải, việc tăng phí quản trị hệ thống như trên nhằm điều chỉnh phù hợp với thị trường hiện nay; đồng thời giúp hãng nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt là hệ thống bán vé được vận hành tốt hơn. Đánh giá về động thái bất ngờ này của các hãng hàng không, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là sự thay đổi về mặt chiến lược ứng phó với dịch bệnh của các hãng bay. Tuy nhiên, chiến lược này hoàn toàn có thể tiềm ẩn những rủi ro khó lường.

Chiến lược “tương hỗ” hay là “con dao hai lưỡi”?

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông cho rằng, việc các hãng hàng không thay đổi chiến lược để ứng phó với sự tái bùng phát của Covid-19 là điều hoàn toàn bình thường. “Với tình hình khó khăn như hiện nay thì bắt buộc các hãng hàng không phải xoay xở để tự cứu mình. Trong quá trình tự cứu mình đó, bất cứ chiến lược nào mà các hãng hàng không đưa ra đều có khả năng thành công và cả rủi ro thất bại. Song họ vẫn phải thử bởi nếu sợ thất bại mà không làm gì thì còn tồi tệ hơn” - TS Nguyễn Hữu Đức nói.

Theo chuyên gia giao thông này, trong trường hợp này phải nhìn nhận vấn đề trong mối quan hệ tương hỗ giữa các hãng bay và hành khách. “Hiện nay, các hãng hàng không đang ở trong tình trạng vô cùng khó khăn. Thậm chí có hãng bay còn đang đứng trước nguy cơ phá sản. Mà nếu bất cứ hãng bay nào phá sản, hành khách cũng là người chịu ảnh hưởng. Cho nên, đây là thời diểm hai bên cần phải giúp nhau để cùng tồn tại” - chuyên gia Nguyễn Hữu Đức phân tích và cho biết thêm, trong trường hợp này cần để cơ chế thị trường quyết định. Tức là nếu hành khách chấp nhận việc tăng giá và vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ sẽ tiếp tục, còn nếu không các hãng bay sẽ phải dừng lại và tính tới phương án khác. Đây là điều hết sức bình thường.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cảnh báo, việc các hãng hàng không tăng phí giữa lúc dịch bệnh bùng phát hoàn toàn có thể là một “con dao hai lưỡi”. “Đây là cách làm nhằm tăng nguồn thu cho các hãng hàng không nhằm bù vào thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Làm cách này không có tính lâu dài mà chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt” - PGS.TS Ngô Trí Long nhận định. Chuyên gia kinh tế này cho rằng, động thái mới của các hãng hàng không hoàn toàn có thể tác động tiêu cực đến tâm lý và cách phản ứng của người dân.
“DN bao giờ cũng tăng nguồn thu từ dịch vụ của mình còn người tiêu dùng lúc nào cũng muốn sử dụng dịch vụ càng rẻ càng tốt. Đó là tâm lý chung. Vấn đề ở đây là các hãng hàng không phải giải thích rõ cho hành khách biết là họ tăng thế nhằm mục đích gì? Nếu nói để tăng chất lượng phục vụ hành khách phải cho họ thấy chất lượng tăng cụ thể ra sao chứ không thể cứ nói chung chung như thế” - PGS. TS Ngô Trí Long nói.

"Trước cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, các hãng hàng không đang phải xoay xở tìm mọi cách để tự cứu mình. Như vừa rồi bên Hàn Quốc có hãng hàng không còn tổ chức các chuyến bay xuất phát từ trong nước bay lên trời, vòng qua địa phận quốc tế rồi quay về đúng chỗ cũ. Cốt là làm thế nào để có khách và vẫn có khách đi. Họ lách luật bằng cách bay ra vùng trời quốc tế để được hưởng chính sách ưu đãi." - Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần