CPI cả năm thấp hơn mục tiêu?

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những diễn biến của thị trường trong 8 tháng qua, nhiều chuyên gia cho rằng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã và đang được kiểm soát. Đồng thời dự báo khả năng trong 4 tháng còn lại của năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng cả năm sẽ thấp hơn mục tiêu.

 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C. Ảnh: Trần Việt

CPI tăng thấp

Trong 8 tháng qua, có 2 tháng CPI giảm và 6 tháng tăng. Cụ thể, tháng 3 giảm theo thông lệ do số gốc so sánh là mức giá trong tháng 2, tháng có Tết Nguyên đán nên nhu cầu và mức giá cao hơn các tháng khác trong năm. Trong tháng 6 CPI giảm nhẹ, do đây là tháng giữa năm, đồng thời lại nắng nóng dữ dội, nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm không cao, trong khi cung lại dồi dào. Các tháng khác tăng, nhưng nhìn chung ở mức nhẹ.
Yếu tố trực tiếp dẫn đến CPI tăng thấp là chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ có sự cải thiện. Ngân sách 7 tháng đầu năm đã bội thu, ngược chiều với bội chi theo dự toán. 7 tháng bội thu khoảng 116.000 tỷ đồng, trong khi dự toán cả năm là bội chi 222.000 tỷ đồng; tính từ đầu năm đến 15/8 đã bội thu 97,2 nghìn tỷ đồng. Về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã thu hút tiền về; tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định (tháng 8/2019 so với tháng 12/2018 giảm 0,48%, bình quân 8 tháng tăng 1,80% so với cùng kỳ - thấp hơn định hướng.

Sau 8 tháng CPI tăng 1,87%, bình quân một tháng tăng 0,23%. Đây là tốc độ tăng thuộc loại thấp so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm 2018 (tăng 2,59%, bình quân một tháng tăng 0,32%). Bình quân 8 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 2,57%. Đây cũng là tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ 2018 (3,52%) và của cùng kỳ 2017 (3,84%).

Như vậy, dù xem xét dưới góc độ nào thì CPI trong 8 tháng năm 2019 cũng thấp hơn của cùng kỳ các năm trước. Trong khi CPI của năm 2018, sau 12 tháng tăng 2,98%, bình quân năm tăng 3,54%, thấp hơn mục tiêu tăng 4%. Có nhiều yếu tố tác động giúp CPI tăng thấp trong 8 tháng qua. Đầu tiên là cơ cấu cung - cầu, cơ bản cung cao hơn, thể hiện ở xuất siêu có xu hướng cao lên (tính đến giữa tháng 8 đã xuất siêu 2,935 tỷ USD, cao hơn mức 2,369 tỷ USD của cùng kỳ năm trước); Ước 9 tháng xuất siêu 3,403 tỷ USD.

Không thể chủ quan

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu bình quân một tháng trong 4 tháng cuối năm tăng bằng với tốc độ tăng bình quân một tháng trong 8 tháng đầu năm thì 4 tháng sẽ tăng 0,93% và tính chung cả năm sẽ tăng 2,82%, thấp hơn tốc độ tăng 2,98% của năm 2018.

Theo tính toán, xu hướng CPI bình quân năm 2019 cũng sẽ thấp hơn tốc độ tăng tương ứng 3,56% của cả năm 2018. Nếu dự báo đó là đúng, thì năm 2019 cũng sẽ thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, năm 2019 lạm phát sẽ được kiểm soát theo mục tiêu và đây là năm thứ tư liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu. Tư duy kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đạt được thành công.

Dự đoán thì như vậy, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo chúng ta chưa thể chủ quan, thỏa mãn, bởi còn có những yếu tố tác động đến việc tăng lên cao hơn dự đoán của lạm phát trong 4 tháng cuối năm cũng như cả năm 2019. Cùng với đó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang khiến kinh tế thế giới bất định cả về thời gian, về quy mô, về mức thuế suất; cả về những hiệu ứng tiếp theo như sự nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc hạ lãi suất, như sự tiếp tục phá giá mạnh hơn nhiều đồng nội tệ của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Giá vàng thế giới đã vượt qua mốc 1500 USD/ounce; có thể còn tăng cao hơn, thậm chí có thể vượt qua đỉnh 1.900 USD/ounce đã đạt trước đây. Chứng khoán giảm sâu. Tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại so với năm trước và so với dự đoán trước đây.

Diễn biến trên thế giới sẽ tác động đến Việt Nam cả về tiền tệ - tỷ giá, cả về giá vàng và quan trọng hơn là yếu tố tâm lý. Ngoài các yếu tố quốc tế, còn có các yếu tố ở trong nước. Đàn lợn bị thiệt hại lớn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi sẽ làm cho giá thịt lợn tăng cao. Giá dịch vụ y tế tăng ở mức khá cao và với phạm vi khá rộng. Giá dịch vụ giáo dục, nhất là cao đẳng, đại học khi thực hiện tự chủ đại học...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần