CPI đạt kết quả kép

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019 có nhiều điểm nhấn, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quan trọng hàng đầu khi đạt kết quả kép - vừa thấp hơn năm trước, vừa thấp hơn kế hoạch mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị fivimart ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
CPI 10 tháng tăng thấp
Công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 10 của cả nước tăng 0,595 so với tháng trước đó. Xét theo CPI tháng (tháng sau so với tháng trước), trong 10 tháng 2019 có 7 tháng tăng, trong đó có 3 tháng tăng cao hơn mức bình thường (tháng 2 tăng 0,8% do tháng này có Tết cổ truyền với nhu cầu tiêu dùng cao hơn các tháng khác; tháng 5 tăng 0,49% chủ yếu do giá nhà ở và vật liệu xây dựng, giá điện tăng 1,28% và giá giao thông tăng 2,64% do giá xăng dầu tăng; tháng 10 tăng 0,59% do giá thực phẩm tăng 1,57%, giao thông tăng 0,99%). So với tháng 12 năm 2018 (tức là sau 10 tháng) thì tháng 10 tăng 2,79%, thấp hơn tốc độ tăng sau 10 tháng tương ứng của cùng kỳ năm trước (3,54%). Xét theo CPI bình quân (để so với mục tiêu) 10 tháng năm 2019 cũng thấp hơn tốc độ tăng bình quân 10 tháng tương ứng của cùng kỳ năm trước (3,6%). Như vậy, CPI trong 10 tháng năm 2019 thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Xét theo nhóm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng, diễn biến CPI 10 tháng 2019 có một số điểm đáng lưu ý. Trong 10/11 nhóm ngành hóa, dịch vụ tiêu dùng, CPI bình quân 10 tháng tăng cao hơn tốc độ chung. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,41%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,76%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,43%...
CPI bình quân năm 2019 sẽ có nhiều vượt trội
Nếu như CPI tháng 11 và 12 năm 2018 giảm chủ yếu do giá thực phẩm, nhà ở, vật liệu xây dựng, giao thông giảm thì 2 tháng cuối năm 2019 được các chuyên gia kinh tế nhận định có thể không như cùng kỳ năm trước mà có diễn biến ngược lại. Giá thực phẩm tiếp tục đà tăng do dịch tả lợn châu Phi trong khi nhu cầu tiêu dùng trong tháng vừa có Tết Dương lịch, vừa có Tết Âm lịch sẽ cao hơn…. Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới.
Tuy nhiên, do tốc độ tăng CPI của những tháng trước thấp, nên tính chung cả năm 2019 sẽ tăng thấp. Nếu dự báo này là đúng, thì CPI bình quân năm 2019 đạt được nhiều vượt trội. Thứ nhất, không tăng cao như thời kỳ 2004 - 2013, mặc dù trong thời kỳ này đã triển khai nhiều biện pháp “kiềm chế” lạm phát nhưng gây không ít khó khăn cho mức sống thực tế của người tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế thấp. Thứ hai, không tăng quá thấp như thời kỳ 2014 - 2015 (năm 2015 có tốc độ tăng 0,63%, thấp xa so với mức định hướng 2% của nhiều nền kinh tế phát triển). Do tăng thấp đã góp phần làm cho tăng trưởng GDP thấp. Như vậy, CPI năm nay đạt kết quả kép, vừa tăng thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của năm trước, vừa thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Với tốc độ tăng như trên, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu được coi là thành công.
Thứ ba, sự thành công này vừa góp phần bảo đảm mức sống thực tế của người tiêu dùng, làm cho lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục đạt thực dương…, vừa góp phần vào tăng trưởng kinh tế cao lên. GDP năm 2019 có khả năng vượt mục tiêu theo Nghị quyết Quốc hội.
Việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của CPI năm 2019 đạt được thành công do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do yếu tố cơ bản của việc kiểm soát lạm phát là quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP tiếp tục được cải thiện. Sản xuất trong nước tăng trưởng khá, có quy mô lớn hơn tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng nên năm 2019 đã xuất siêu lớn và là năm thứ 4 liên tiếp xuất siêu. Từ đó có tác động “kích cung”- tức là tăng trưởng kinh tế được kích thích trong điều kiện thế giới có những biến động bất lợi. Có nguyên nhân sâu xa, tiềm ẩn của lạm phát là chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện. Đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đối với tốc độ tăng GDP đã tăng. Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2019 ước đạt gần 5,9%, bình quân 2016 - 2020 (5,5%/năm, vượt mục tiêu 5%). Hệ số ICOR đã giảm, tức là hiệu quả đầu tư cao lên.
Có nguyên nhân trực tiếp của lạm phát là tài chính - tiền tệ. Tốc độ tăng tín dụng thấp hơn năm trước, tốc độ tăng tiền gửi cao hơn tốc độ tăng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%, và có nguyên nhân do yếu tố tâm lý nhờ lòng tin vào đồng tiền quốc gia khi lạm phát thấp, giá USD ổn định…