CPO của Tiki tiết lộ lý do Startup Việt hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

Bài,ảnh: Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Thực tế là các quốc gia như Nhật Bản hay Canada đang “nhập khẩu” ngày càng nhiều các kĩ sư từ Việt Nam", Giám đốc Nhân sự của Tiki khẳng định.

Bên lề Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo 2019 (Hanoi Innovation Summit), bà Sakshi Jawa, Giám đốc Nhân sự của Tiki đã chia sẻ với Báo Kinh tế & Đô thị về tiềm năng phát triển cũng như những thách thức mà cộng đồng startup Việt Nam đang phải đối mặt trong hành trình “vươn ra biển lớn”.

 Giám đốc Nhân sự Tiki Sakshi Jawa
 

Ấn tượng của bà đối với cộng đồng startup Việt Nam và giới công nghệ trẻ ở Việt Nam?

Với khoảng 250.000 kĩ sư, giới công nghệ Việt Nam hiện lớn hơn nhiều nước trên thế giới, đây cũng là cơ sở để tôi tin rằng Việt Nam có thể trở thành một ví dụ điển hình của các mô hình Silicon Valley của châu Á trong tương lai.

Tôi nghĩ rằng với khoảng 70% dân số Việt Nam hiện đang dưới 35 tuổi, Việt Nam có một lực lượng lao động hùng hậu ham học hỏi và sẵn sàng tiếp cận những công nghệ và tư duy mới của thế giới.

Trong vài năm tới, tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường lớn nhất thế giới về công nghệ. Nhưng một trong những thách thức hiện nay với Việt Nam cũng đến từ chính dân số trẻ, do đó hầu hết các công ty công nghệ chưa có đến 10 năm kinh nghiệm, đồng thời, các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ.

Tuy nhiên, cùng với thời gian và kinh nghiệm đúc kết, thị trường công nghệ Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển.

Điều gì tạo nên sự hấp dẫn của các startup Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, thưa bà?

Điều đầu tiên đó chính là tài năng. Việt Nam có rất nhiều nhân sự tài năng về lĩnh vực công nghệ mà phần lớn trong số này vẫn chưa được khám phá. Thứ hai là khả năng thích ứng của họ với hoàn cảnh, đây có thể là sự khác biệt giữa thành công và thất bại.

Hiện nay, số lượng các nhân sự tài năng ở không chỉ Silicon Valley mà còn ở các thị trường công nghệ đã không còn nhiều như trước. Thực tế là các quốc gia như Nhật Bản hay Canada đang “nhập khẩu” ngày càng nhiều các kĩ sư từ Việt Nam. Một trong những lý do chính cho xu hướng này là có sự khác biệt lớn về chi phí tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam so với ở Silicon Valley.

Tôi tin rằng khoảng cách này sẽ ngày càng tăng bởi chi phí tuyển dụng các nhân sự giỏi sẽ chỉ tăng lên trong tương lai.

Đâu là thách thức đối với các startup Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, thưa bà?

Đang có xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội ở thị trường Việt Nam, một phần là bởi Việt nam có tốc độ tăng trưởng giới trung lưu vào hàng cao nhất thế giới, trong khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng ở mức cao. Tôi cho rằng đây là thời cơ vàng cho thương mại điện tử phát triển ở Việt Nam, cùng với đó là cơ hội giành cho các startup.

Thách thức đối với các startup Việt Nam chủ yếu đến từ kĩ năng tiếp cận các thị trường toàn cầu. Theo quan điểm của tôi, hiện có nhiều startup ở Việt Nam chưa có chiến lược phát triển phù hợp và định vị được vị trí của họ trên thị trường thế giới. Do đó, các startup cần mở rộng tầm nhìn và tìm kiếm cơ hội phát triển, mà cụ thể ở đây là các nhà đầu tư tiềm năng.

Ví dụ, hiện chủ yếu các startup đang gọi vốn từ các nhà đầu tư ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, trong khi không nhiều người nghĩ đến châu Âu hay Mỹ. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây chỉ là vấn đề về mặt thời gian trước khi các startup Việt tiếp cận những thị trường này.

Đồng thời, các startup Việt Nam mới chỉ phát triển trong vòng 6 – 7 năm nay, do đó cộng đồng startup vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Trong thời gian tới, liệu Tiki có kế hoạch nào để hỗ trợ cộng đồng startup không thưa bà?

Bản thân Tiki cũng là một startup, do đó chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp và các startup trẻ. Mô hình Tiki phát triển cần sự tham gia và hỗ trợ của các doanh nghiệp, do đó chúng tôi luôn nỗ lực hết sức để hỗ trợ cộng đồng.

Gần đây, chúng tôi đã mua lại Ticketbox, một nền tảng phân phối vé và quản lý sự kiện trực tuyến. Chúng tôi đang lập chiến lược để hoàn thiện hệ sinh thái thương mại điện tử từ thương vụ này.

Cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện!