Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPTPP đòi hỏi doanh nghiệp nâng tầm nhân sự cấp quản lý

Theo Baodautu.vn
Chia sẻ Zalo

Để có thể tận dụng được các cơ hội của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), doanh nghiệp phải đầu tư hợp lý cho đào tạo nhân sự cấp quản lý, bởi hội nhập đòi hỏi người quản lý phải có tầm nhìn chiến lược.

Thống kê từ Navigos Search cho thấy, nhu cầu tuyển nhân sự cấp trung, cấp cao tại Việt Nam năm 2017 tăng 28% so với năm 2016, nhưng với vị trí cấp cao ở mảng bất động sản, các doanh nghiệp vẫn phải tuyển dụng nhân sự nước ngoài.
Thực tế tuyển dụng tại Công ty TNHH Denken Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) cũng phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về nguồn nhân lực tại Việt Nam. Sau khi tuyển 2 sinh viên khá, giỏi ở một trường có danh tiếng, thì công ty này vẫn phải đào tạo lại với chi phí 10.000 USD/người, mà kết quả chỉ 1 ứng viên đủ tiêu chuẩn tiếp tục làm.
Đào tạo nhân lực tại Công ty Samsung Vina. Ảnh: Đức Thanh
Trước lo ngại về năng suất lao động nói chung của Việt Nam, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tỏ ra không đồng tình.
“Tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng, lao động Việt Nam ở mức thấp báo động. Với trên 50% lao động làm nông nghiệp, thì việc bình quân hóa toàn hệ thống lực lượng lao động thấp là đương nhiên”.
GS-TSKH Nguyễn Mại cho biết, năng suất lao động Việt Nam ngành dệt may nằm trong top đầu các nước xuất khẩu dệt may. Bên cạnh đó, Dự án Hầm Đèo Cả là ví dụ sinh động cho chất lượng lao động Việt Nam, khi dự án này từ thiết kế đến kiến trúc hoàn toàn do người Việt làm.
“Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc đạt 80 tỷ USD. Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường khó tính, nhưng các sản phẩm của Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu. Bằng chứng này cho thấy, chất lượng lao động không phải là vấn đề đáng quan ngại”, ông Mại phân tích.
Tuy nhiên, ông Mại lo ngại rằng, trong bối cảnh nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), CPTPP, cùng cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhiều nhà máy đẩy mạnh phát triển công nghệ và hệ quả là nhiều doanh nghiệp chỉ đòi hỏi công nhân có trình độ thấp hơn mức hiện tại, nghĩa là tuyển lao động phổ thông, chỉ đào tạo khoảng 3 tháng đã đạt trình độ đi làm, nhưng lao động cấp quản lý lại yêu cầu cao hơn về trình độ.
“10 năm trước, Samsung đầu tư vào Việt Nam, tất cả cấp quản lý là người Hàn. 2 - 3 năm sau, lao động quản lý người Hàn đã được thay thế bằng người Việt, khi họ đủ kỹ năng đảm nhiệm công việc. Đây là đội ngũ Việt Nam cần quan tâm”, GS-TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Liên quan nhân sự cấp cao, ông Stephan Ulrich, quản lý Dự án Vùng dự án phát triển doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khẳng định: “33% doanh nghiệp cho rằng, làm việc nhóm là quan trọng và 31% khẳng định khả năng trao đổi là quan trọng. Đây là những kỹ năng chỉ hình thành và được đào tạo trong quá trình lao động tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng nhận thức rõ, nếu chỉ có nguồn nhân lực tốt, mà chưa có quản trị tốt thì không đi đến đâu cả. Trong khi đó, về trình độ quản lý, Việt Nam chỉ đứng cùng với các quốc gia như Kenya hay Nigeria”.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 cho thấy, 69% doanh nghiệp FDI vấp phải khó khăn trong tuyển dụng cán bộ kỹ thuật có tay nghề. Nếu năm 2013, chi phí trung bình cho hoạt động đào tạo lao động của doanh nghiệp chỉ chiếm 3,6% chi phí kinh doanh thì năm 2014, con số này đã tăng lên 5,9% và năm 2017 là 5,7%.
Lời giải cho bài toán nhân sự cấp cao được GS-TSKH Nguyễn Mại kỳ vọng rằng, CPTPP sẽ tạo làn sóng đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhân sự cấp quản lý của Việt Nam được hưởng lợi như thực tiễn từ Samsung.